Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ đợt 2 năm 2012 ở tỉnh ta được triển khai từ ngày 1-9 đến 31-10-2012, trong đó có 33 xã, phường được hỗ trợ một phần kinh phí và thuốc điều trị. Đây là những địa phương còn nhiều khó khăn trong công tác dân số - KHHGĐ, có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao.
Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). |
Triển khai chiến dịch, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố đã xây dựng, triển khai kế hoạch tới từng đơn vị; đề xuất với tỉnh cung cấp kịp thời các vật tư thiết yếu cho chiến dịch. Tại các xã, phường đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, chăng treo pa-nô, khẩu hiệu, tổ chức nói chuyện chuyên đề về CSSKSS - KHHGĐ; sinh hoạt văn hóa văn nghệ, chiếu phim; cung cấp tờ rơi, sách lật đến người dân. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, Khoa Sức khỏe sinh sản của Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, trạm y tế các xã, phường huy động tối đa nguồn lực về con người, trang thiết bị, địa điểm để thực hiện các dịch vụ KHHGĐ, khám điều trị các bệnh phụ khoa, cấp thuốc miễn phí và tư vấn cho chị em về CSSKSS-KHHGĐ. Công tác giám sát, báo cáo thống kê tiến độ được tăng cường, giúp cho việc chỉ đạo triển khai chiến dịch đồng bộ, kịp thời. Cấp tỉnh tổ chức giám sát ở 10 huyện, thành phố và 50% số xã được đầu tư; cấp huyện tổ chức giám sát 100% số xã được đầu tư. Đội ngũ cán bộ thực hiện giám sát đều được tập huấn nội dung, kỹ năng giám sát. Đặc biệt, chiến dịch luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự vào cuộc tích cực của đội ngũ những người làm công tác dân số. Nhiều địa phương đã hỗ trợ kinh phí để triển khai chiến dịch hiệu quả, góp phần hoàn thành công tác dân số - KHHGĐ. Tổng ngân sách đầu tư cho chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ đợt 2 trên phạm vi toàn tỉnh là 224,4 triệu đồng, trong đó ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - KHHGĐ là 125,4 triệu đồng, ngân sách của các địa phương là 99 triệu đồng. Tại huyện Xuân Trường, ngoài 12 xã được hỗ trợ, một số xã như Xuân Hồng, Xuân Vinh, Xuân Ninh, Xuân Đài đã tổ chức chiến dịch bằng kinh phí địa phương.
Bằng việc triển khai đồng bộ các biện pháp từ công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, thực hiện các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ, đến giám sát, thống kê, báo cáo tiến độ, chiến dịch đã đạt được mục tiêu chung của cả 2 nội dung lồng ghép. Về công tác tuyên truyền, vận động, toàn tỉnh tổ chức 110 buổi nói chuyện chuyên đề về CSSKSS-KHHGĐ; tổ chức 62 lượt mít tinh tuyên truyền cổ động; 89 buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, chiếu phim; cấp phát 49.582 tờ rơi; chăng treo 524 khẩu hiệu, pa-nô, áp phích mới. Về thực hiện gói dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ, đến hết ngày 31-10-2012, các biện pháp tránh thai hiện đại như đặt vòng, thuốc tiêm, sử dụng bao cao su, thuốc uống đạt tỷ lệ cao. Chiến dịch cũng đã chú trọng tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, giúp họ biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân, biết lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp. Trong chiến dịch, đã có 43.654 phụ nữ đi khám, đạt 92% kế hoạch. Số phụ nữ được phát hiện bị viêm nhiễm đường sinh sản và được điều trị là 14.875/43.654 người đi khám, chiếm 34,1%. Kết quả của chiến dịch đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác CSSKSS-KHHGĐ và trực tiếp làm giảm tỷ suất sinh trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Lam Hồng