Nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

08:12, 03/12/2012

Hơn 50 năm trôi qua, kể từ khi đế quốc Mỹ rải chất độc da cam/đi-ô-xin xuống miền Nam đến nay vẫn còn để lại hậu quả với nhiều đau thương, mất mát cho các thế hệ nạn nhân. Bên cạnh sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nhiều nạn nhân đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Ở xã Xuân Bắc (Xuân Trường) ông Nguyễn Viết Hiền, 62 tuổi, CCB và là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đã nỗ lực vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng. Năm 1967, khi mới 17 tuổi, ông lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội đặc công thuộc Trung đoàn 8, Sư đoàn 324 (Quân khu Trị Thiên Huế). 5 năm trong quân ngũ, ông đã 2 lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, nhận 3 Bằng khen và 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất về thành tích chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Năm 1972, ông phục viên về quê và xây dựng gia đình. Vượt qua những đau đớn do bệnh nấm vảy nến toàn thân cùng với bệnh viêm đa khớp thường xuyên hành hạ vì nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin,  ông cùng vợ con chắt chiu gây dựng kinh tế gia đình từ đàn gà, lứa lợn bán đi lấy tiền làm vốn, mua các dụng cụ đồ nghề mở xưởng mộc. Được chính quyền địa phương và bà con làng xóm tạo điều kiện giúp đỡ, xưởng mộc của ông ngày càng phát triển với nhiều sản phẩm mộc dân dụng từ chiếc giá sách đến giường, tủ, bàn ghế, cửa các loại được khách hàng tin dùng. Đến nay, cơ sở sản xuất của gia đình ông Hiền đã trở thành doanh nghiệp tư nhân đồ gỗ Viết Hiền tạo việc làm cho 8-10 lao động là anh em, con cháu các CCB và nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin trong vùng với thu nhập ổn định từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, lợi nhuận của gia đình ông đạt từ 200 đến 250 triệu đồng. CCB Phạm Xuân Thành, xã Xuân Thủy (Xuân Trường) từng là bộ đội đặc công tại chiến trường Long An, Đồng Tháp và Tây Nguyên. Ông già hơn nhiều so với tuổi 61, bởi chất độc da cam/đi-ô-xin đã thấm vào từng mạch máu khiến tóc ông bạc trắng, răng rụng gần hết, khuôn mặt đen sạm, một bên mắt bị mờ dần. Di chứng chất độc da cam đã làm cho người con trai cả của ông bị điếc bẩm sinh, trí nhớ không bình thường. Sau khi giải ngũ về địa phương, ông phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, song được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, năm 2008, ông thuê 14 nghìn m2 ruộng trũng để xây dựng trang trại chăn nuôi theo mô hình VAC. Ông đầu tư đào hơn 8.000m2 ao để nuôi cá thịt và sản xuất cá giống, trên bờ xây chuồng nuôi từ 30-40 con lợn/lứa. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán hơn 2 tấn cá thịt, cá giống cùng 6-7 tấn lợn hơi, sau khi trừ chi phí thu lãi từ 50 đến 70 triệu đồng. Đến nay, kinh tế gia đình ông đã khá ổn định. Trang trại của gia đình ông đã trở thành mô hình điểm để các hội viên CCB đến học hỏi, làm theo.

Ông Phạm Xuân Thành, nạn nhân chất độc da cam ở xã Xuân Thủy (Xuân Trường) chăm sóc cây cảnh tại khu trang trại của gia đình.
Ông Phạm Xuân Thành, nạn nhân chất độc da cam ở xã Xuân Thủy (Xuân Trường) chăm sóc cây cảnh tại khu trang trại của gia đình.

Đồng chí Phạm Song, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Xuân Trường cho biết, trong tổng số 1.974 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin của huyện, có rất nhiều người là chủ các doanh nghiệp và trang trại, gia trại làm ăn hiệu quả. Những năm qua, nhiều hội viên đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, những đau đớn thể chất, tinh thần, vươn lên phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin các cấp trong huyện đã tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các hội viên thông qua các phong trào, cuộc vận động như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam”… Từ năm 2008 đến nay, các cấp Hội trong huyện đã nhận được 2 tỷ 48 triệu đồng ủng hộ quỹ, giúp công tác chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nạn nhân ngày một hiệu quả hơn. Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện phối hợp với Bệnh viện đa khoa Xuân Trường, Viện Quân y 103 tổ chức tư vấn, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, thăm và tặng quà dịp lễ tết, sửa chữa, xây mới nhà tình nghĩa cho hội viên…

Thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cộng đồng xã hội “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” nhằm chia sẻ, giúp đỡ các nạn nhân vượt qua nỗi đau, góp phần giải quyết hậu quả chất độc hóa học do đế quốc Mỹ gây ra. Đồng thời, sẽ phối hợp với Phòng NN và PTNT, Hội Nông dân, Hội CCB… tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về khuyến nông, khuyến ngư, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh cho các hội viên phát triển kinh tế gia đình./.

Bài và ảnh: Văn Thứ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com