Năm 18 tuổi, cô gái Vũ Thị Mười Yêu, quê xã Trực Cường (Trực Ninh), vào Nhà dòng Đa Minh, Phú Nhai, xã Xuân Phương (Xuân Trường) ở và được giao chăm sóc những người già trong Nhà thương Phú Nhai. Ở đó, cô gặp cô Đinh Thị Nhiễu, quê xã Giao Xuân (Giao Thủy) cũng còn rất trẻ. Hai người phụ nữ tìm thấy ở nhau sự đồng cảm cuộc sống và suy nghĩ. Một thời gian sau, khi Nhà thương Phú Nhai không còn hoạt động, hai cô tích cóp, vay mượn được ít tiền mua mảnh đất, xây nhà ở đội Bắc, thôn Phú Nhai, xã Xuân Phương, đón những người già không nơi nương tựa của Nhà thương Phú Nhai ra tiếp tục chăm sóc. Năm 1986, họ nhận bé Vũ Thị Hương, bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng về nuôi dưỡng. Nhìn thấy bé, bà Yêu khi đó đã không cầm được nước mắt. Một sinh linh bé nhỏ cần được che chở, cứu giúp. Mặc dù chưa làm mẹ nhưng tình thương mách bảo bà, phải cứu lấy đứa trẻ này, mình sẽ làm “mẹ” của đứa trẻ đó… Đến nay, hai bà lão đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” đã có tới 7 “con”. Con lớn nhất của các bà giờ đã là cô gái chững chạc Vũ Thị Hương 25 tuổi. Các em tiếp theo của Hương là Vũ Thị Hảo (SN 1995), Vũ Thị Huyền (SN 1996), Vũ Thị Huế, Vũ Đình Dương (SN 2003), Vũ Thị Hoài (SN 2006), Vũ Thị Hài (SN 2008). Các con lấy ngày chúng “đến” với các bà làm ngày tháng năm sinh. Cả 7 người con đều mang họ Vũ, đều gọi hai bà là mẹ. Mỗi khi nhớ lại những ngày tháng gian nan nuôi các con, khó khăn nhất là khi các con ốm đau, trong khóe mắt nhăn nheo của hai người đàn bà những giọt nước mắt lăn dài. Một người phụ nữ nuôi một đứa con đã khó khăn, hai người phụ nữ nghèo càng khó khăn hơn khi các thành viên trong gia đình họ ngày càng đông. Thương nhất là khi con đòi ăn, nhiều khi trong nhà không có gạo, hai mẹ phải lên Hành Thiện (Xuân Trường) mua bột sắn về làm bánh ăn thay cơm. Nhưng rồi các con cũng lớn lên, yêu thương gắn bó với nhau như anh em. Đứa lớn giúp trông nom, chăm bẵm đứa bé, cuộc sống tuy vất vả nhưng trong nhà luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng bi bô của trẻ nhỏ. Niềm vui trong ngày của hai mẹ là được nghe các con kể chuyện, vui đùa, quây quần. Bà Nhiễu cho biết, khi mới nhận nuôi cu Dương, em rất hay đau ốm, “đầu to” do bị dị tật chân tay bị teo lại, bị mọc mụn và lở loét khắp người. Hai bà chạy chữa cho con đủ cách, ai bảo gì, mách gì cũng làm, từ tắm cho con bằng các loại nước lá đến thuốc bôi. May mắn có cô bác sỹ thôn bên nhận giúp chữa bệnh cho Dương. Bây giờ khi sức khỏe Dương đã ổn hơn song thỉnh thoảng bệnh vẫn còn tái phát. Nhìn con chạy nhảy, bà Yêu nghẹn ngào: Chúng tôi không nghĩ rằng có ngày bé Dương có thể bước đi được trên đôi chân của chính mình một cách khoẻ mạnh như thế này. Khi chúng tôi mới nhận con, nhìn con mọi người ai cũng bảo sau này cháu sẽ không đi lại được. Nhưng có một lần tôi thấy con lật người và cố gắng bò, thế là từ đấy cứ chiều chiều tôi lại cho cháu ra sân, cho cháu bám vào một chiếc xe đẩy, tôi kéo đi để cháu bước đi dần. Cuối cùng thì cháu cũng đi được. Dương đã tự đứng trên đôi chân của chính mình, có lẽ bởi khát khao được đi lại như bao người. Khát khao đó đâu của riêng Dương, đôi chân vững chãi của em có đôi cánh của tình thương yêu bao la của các mẹ chắp cánh. Lòng những người mẹ mừng rỡ khi các con ngày một lớn dần. Mỗi đứa con là một thế giới riêng với những tình cảm, tình yêu không gì thay thế được. Nhìn hai người mẹ trìu mến kể về những đứa con, quyết tâm nuôi con ăn học thành người mới thấy, chỉ có trái tim của những người mẹ thực sự mới đủ sức mạnh để vượt qua dâu bể cuộc đời nuôi con khôn lớn...
Hơn 25 năm nuôi 7 đứa con, chưa kể việc chăm sóc những người già, công việc hằng ngày của hai người phụ nữ rất vất vả. Để duy trì cuộc sống cho cả gia đình, hai người phụ nữ nhận làm 7 sào ruộng, vớt bèo nuôi lợn, gà. Khi chân còn khỏe, mắt còn tinh, hai bà làm hàng xáo, đong lúa xát gạo bán. Nhiều lúc lúa gạo không đủ để nuôi con, tiền đóng học cho các con không có, bà Yêu phải vào tận Bà Rịa - Vũng Tàu, Sài Gòn đi ăn xin để các con được ăn học. Các con càng lớn, nỗi lo càng nhiều, các mẹ càng phải cố gắng, chắt chiu dành dụm cho con. Mặc dù chịu vô vàn gian truân, cực nhọc để nuôi con nhưng khi được hỏi, nếu có bé nào bị bỏ rơi có nhận nuôi nữa hay không hai bà mẹ vẫn trả lời: nhận chứ, để như vậy thương lắm. Thế mới biết tình mẹ, lòng mẹ là bao la khó nói được thành lời./.
Nguyễn Hoa Xuân