Nâng cao hiệu quả Dự án Vệ sinh nông thôn tỉnh giai đoạn 2012-2015

01:12, 04/12/2012

Việc triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn 2006-2011, đã góp phần cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn trong tỉnh. Đến năm 2011, toàn tỉnh có 65,4% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% trạm y tế xã có công trình nước sạch và nhà tiêu. Tuy nhiên, hiện nay các công trình vệ sinh của hộ gia đình cũng như của các trạm y tế xã do được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Cụ thể, có 35 trạm y tế trong tổng số 194 trạm y tế ở vùng nông thôn cần cải tạo hoặc xây mới công trình vệ sinh trong thời gian 2012-2015. Toàn tỉnh có 64 nhà máy, trạm cấp nước, song chưa được giám sát chất lượng nước định kỳ theo quy định (ngoài các trạm cấp nước của Cty CP một thành viên Cấp nước Nam Định).

Thầy và trò Trường THCS xã Trung Thành (Vụ Bản) thực hiện rửa tay bằng xà phòng tại lễ phát động chiến dịch truyền thông rửa tay bằng xà phòng. Ảnh: Lam Hồng
Thầy và trò Trường THCS xã Trung Thành (Vụ Bản) thực hiện rửa tay bằng xà phòng tại lễ phát động chiến dịch truyền thông rửa tay bằng xà phòng.
Ảnh: Lam Hồng

Trước thực trạng trên, tỉnh ta đã kiện toàn Ban chỉ đạo về chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ tỉnh xuống cơ sở; thành lập Ban điều hành dự án vệ sinh nông thôn và triển khai Dự án Vệ sinh nông thôn giai đoạn 2012-2015, giao cho Sở Y tế chủ trì triển khai dự án; trong đó Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh phối hợp với Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm YTDP tuyến huyện, các trạm y tế xã xây dựng mạng lưới cơ sở thực hiện tuyên truyền, vận động xây dựng các công trình vệ sinh với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể; trong đó lực lượng nòng cốt là cán bộ y tế các cấp. Trung tâm YTDP tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch với mục tiêu nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn thông qua cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo đó, phấn đấu đến năm 2015 có 73% hộ gia đình khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% trạm y tế xã có công trình nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% nhà máy, trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn được giám sát chất lượng nước.

Triển khai Dự án Vệ sinh nông thôn năm 2012 đợt I, Trung tâm YTDP tỉnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ Trung tâm Y tế các huyện, thành phố về kỹ thuật xây dựng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình, giám sát chất lượng nước và thống kê báo cáo các công trình vệ sinh; tập huấn kỹ thuật xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình cho trạm trưởng trạm y tế, các chuyên trách vệ sinh và cộng tác viên của 194 xã, với tổng số 500 học viên; tiến hành in ấn tài liệu về các loại nhà tiêu hợp vệ sinh để cấp cho các xã. Tổ chức phát động truyền thông về vệ sinh nông thôn nhân ngày thế giới “Rửa tay với xà phòng”; phát các thông điệp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, tuyên truyền lưu động, nói chuyện chuyên đề tại các “điểm nóng” về vệ sinh nông thôn, nhất là 22 xã của 4 huyện được chọn làm điểm gồm: Ý Yên, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường… Mục tiêu đặt ra là tăng tỷ lệ nhà tiêu hộ gia đình hợp vệ sinh tại các xã có tỷ lệ nhà tiêu thấp năm 2012 trên 2%; trên 3% các hộ gia đình ký cam kết sẽ xây mới hoặc cải tạo nhà tiêu trong năm 2013.

Thực hiện thành công dự án sẽ góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh của gần 500 nghìn hộ với gần 1,7 triệu người và gần 200 trạm y tế xã, góp phần giảm nguồn phát tán các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong khu dân cư, giảm chi phí khám, chữa bệnh cho nhân dân, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ chất lượng nguồn nước, giải quyết tình trạng ô nhiễm do phân người gây ra, cải thiện môi trường nông thôn, các khu vực công cộng, khu vực làng nghề sản xuất, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Để thực hiện tốt hơn dự án trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác của các đơn vị chức năng trong việc xây dựng market, in ấn các tài liệu chuẩn, các công cụ giảng dạy, các tài liệu hướng dẫn triển khai các mô hình truyền thông; các thông điệp truyền thông về dự án phát trên đài phát thanh, truyền hình; tập huấn kỹ thuật xây dựng, bảo quản nhà tiêu hộ gia đình, truyền thông cho cán bộ y tế các cấp để triển khai tại các huyện, xã./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com