Mỹ Lộc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư pháp

07:12, 22/12/2012

Những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Mỹ Lộc đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân gắn với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư pháp ở cơ sở, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Mỹ Lộc chuẩn bị tài liệu trang bị cho các xã, thị trấn.
Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Mỹ Lộc chuẩn bị tài liệu trang bị cho các xã, thị trấn.

Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cán bộ và nhân dân, đặc biệt là vùng giáp ranh với các tỉnh Hà Nam và Thái Bình là địa bàn tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của nhân dân như các quy định mới về thu hồi đất và hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường bộ Mỹ Lộc - Phủ Lý, chủ trương xây dựng NTM, chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm và nội dung các dự án luật mới được bổ sung, sửa đổi và ban hành như: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra... Từ thực tiễn hoạt động, các ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn, đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đa dạng như: lồng ghép phổ biến pháp luật trong các buổi sinh hoạt chi bộ - nơi tập trung đội ngũ trưởng thôn, xóm, trưởng các tổ chức đoàn thể, tổ trưởng tổ hòa giải ở cơ sở các hội nghị của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội... Trên cơ sở những kiến thức pháp luật mới được tiếp thu, đội ngũ này trực tiếp tuyên truyền pháp luật đến từng người dân. Phòng Tư pháp huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, trang bị tài liệu, soạn đề cương để tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ tư pháp các xã, thị trấn, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở. Năm 2012, toàn huyện đã lồng ghép tuyên truyền pháp luật tại 200 hội nghị với gần 3.000 lượt người dự; in ấn, cấp phát hàng chục nghìn tài liệu pháp luật tới cán bộ và nhân dân trong huyện. Từ việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nên nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân từng bước được nâng cao, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giảm bớt các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, huyện tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư pháp. Đến nay, đội ngũ cán bộ tư pháp, hộ tịch chuyên trách ở 11 xã, thị trấn của huyện đều có trình độ từ trung cấp đến đại học luật, thường xuyên được tập huấn chuyên sâu về công tác chứng thực, hộ tịch, hòa giải... không ngừng được nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Năm 2012, huyện đã đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng hệ thống quản lý tư pháp hộ tịch và trang bị máy vi tính, cài đặt phần mềm quản lý hộ tịch tới 11 xã, thị trấn trong huyện. Phòng Tư pháp huyện còn tổ chức tập huấn kỹ thuật sử dụng phần mềm và kỹ năng khai thác, cập nhật thông tin do Bộ Tư pháp ban hành phục vụ công tác chuyên môn cho đội ngũ cán bộ tư pháp, hộ tịch các xã, thị trấn. Nhờ vậy, toàn bộ dữ liệu về quản lý hộ tịch của các xã, thị trấn được đăng ký đầy đủ, chính xác, kịp thời. Thông qua hệ thống, các dữ liệu về đăng ký hộ tịch được lưu trữ đầy đủ phục vụ cho việc tra cứu tìm kiếm và giải quyết nhanh chóng việc cấp lại, cấp bản sao giấy khai sinh cho công dân, đồng thời giúp cán bộ tư pháp các cấp thống kê, báo cáo các số liệu về công tác đăng ký hộ tịch theo quy định trên địa bàn bảo đảm nhanh chóng, chính xác theo đúng biểu mẫu của Bộ Tư pháp ban hành. Anh Đặng Văn Ba, cán bộ tư pháp Thị trấn Mỹ Lộc cho biết: Việc ứng dụng phần mềm quản lý hộ tịch đã giảm nhiều áp lực công việc cho cán bộ tư pháp cơ sở, tiết kiệm thời gian, giảm phiền hà cho công dân và bảo đảm tính chính xác, thuận tiện cho việc lưu trữ, sao lục sau này. Ngoài việc hỗ trợ cho cán bộ tư pháp giải quyết công việc chuyên môn, phần mềm quản lý hộ tịch cũng đem đến nhiều tiện ích cho người dân khi làm các thủ tục hộ tịch. Chị Nguyễn Thị Hiền, xã Mỹ Tân cho biết: “Trước đây, để đăng ký khai sinh tôi phải đi lại vài ba lần mới xong. Lần này, khai sinh cho cháu thứ 2, sau khi kê khai thông tin cá nhân, mọi thủ tục khác từ đối chiếu, sao lục và xác minh đều được cán bộ tư pháp xã thực hiện trên máy tính nên chỉ mất 30 phút tôi đã nhận được giấy khai sinh cho cháu". Cách làm mới này còn làm thay đổi nhận thức của người dân về thực hiện các thủ tục hành chính hiện nay. Năm 2012, toàn huyện đã đăng ký khai sinh cho 1.409 trường hợp, khai tử cho 573 trường hợp, làm thủ tục đăng ký kết hôn cho 851 trường hợp và xác nhận tình trạng hôn nhân cho trên  200 lượt người.

Việc đổi mới công tác tư pháp ở Mỹ Lộc đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com