Xứng đáng là trung tâm dạy nghề kiểu mẫu cấp huyện

06:12, 01/12/2012

Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu được thành lập năm 2005 với chức năng hướng nghiệp, dạy nghề cho lao động nông thôn của huyện với 14 ngành nghề, gồm: may công nghiệp, điện tử, điện công nghiệp, điện dân dụng, hàn, thêu ren, móc sợi, đan lát, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, dệt, nuôi trồng chế biến thủy hải sản, trồng và chế biến nấm, tin học. Từ năm 2010, trung tâm được UBND tỉnh phê duyệt “Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu”; được Bộ LĐ-TB và XH chọn là một trong 10 cơ sở dạy nghề kiểu mẫu cấp huyện của cả nước để thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, trung tâm đã được giải ngân 25,3 tỷ đồng từ Bộ LĐ-TB và XH, UBND tỉnh để triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống các phòng học, xưởng thực hành, mua sắm trang thiết bị công nghệ tiên tiến đưa vào sử dụng, bước đầu đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề. Đội ngũ giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn về kiến thức và kỹ năng nghề, nhất là các nghề có trình độ cao. Các chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học, gắn lý thuyết với thực hành để nâng cao tay nghề cho người lao động.

Học viên học nghề mộc dân dụng tại Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu.
Học viên học nghề mộc dân dụng tại Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu.

Đồng chí Đỗ Thị Chiên, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu cho biết, để nâng cao kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trung tâm đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó quan trọng nhất là tìm việc và giữ việc làm cho người lao động. Để thực hiện điều đó, trung tâm đã tìm hiểu kỹ thị trường đầu ra, phân loại lao động phù hợp với từng nghề, trong đó ưu tiên dạy nghề cho lao động tại những xã thuần nông, xa trung tâm huyện, địa phương có nguồn lao động dồi dào, có nhu cầu học nghề cao. Trung tâm phối hợp với Hội CCB, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên… tiến hành khảo sát, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động, sau đó cử giáo viên đến từng thôn, xóm khuyến khích, động viên nông dân học nghề, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất. Ngành nghề đưa về các địa phương được lựa chọn, bảo đảm các yếu tố như sử dụng nhiều lao động, dễ học, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng lao động, có thể tận dụng được thời gian nông nhàn như móc sợi, đan bẹ chuối xuất khẩu, thêu ren, may công nghiệp... Tại mỗi địa phương, trung tâm đều lựa chọn một, hai người có tay nghề cao, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, làm hạt nhân để tập hợp, thu hút học viên và phát triển nghề. Nếu người lao động không có nhu cầu làm việc tại các doanh nghiệp thì trung tâm tạo điều kiện cho họ được làm việc tại chỗ với chủ lao động là giáo viên, cộng tác viên của trung tâm để người lao động có việc làm. Với những lao động tự mở cơ sở sản xuất thì trung tâm liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2010 đến nay, trung tâm đã dạy nghề cho 2.000 lao động, trong đó 10 tháng qua đã dạy nghề cho 380 lao động tại các xã: Hải Đường, Hải Lý, Hải Sơn, Hải Cường... Nhiều người đã có việc làm trong thời điểm nông nhàn, tăng thu nhập từ các nghề móc sợi tại các xã Hải Nam, Hải Lộc; đan bẹ chuối tại các xã Hải Nam, Hải Toàn, Hải Trung; đan cói tại xã Hải Thanh, Hải Hưng, Hải Trung, Hải Toàn; may công nghiệp tại xã Hải Lý, Hải Đường, Hải Giang... Xã Hải Đường được trung tâm tổ chức các lớp dạy nghề dệt đay, đan bẹ chuối, cói xuất khẩu… đã thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động của địa phương. Kết quả kiểm tra của Sở LĐ-TB và XH, 76% số lao động học nghề theo Đề án 1956 do Trung tâm đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp, mỗi lao động có việc làm ngay và thu nhập ổn định như nghề thêu ren thu nhập từ 40 nghìn - 60 nghìn đồng/ngày; nghề vê đay, đan cói, bẹ chuối thu nhập từ 30 nghìn - 40 nghìn đồng/ngày; nghề hàn 150 nghìn đồng/ngày; nghề may từ 80 nghìn đồng/ngày trở lên... Nhiều lao động đã vay vốn mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động ngay tại địa phương.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, đầu tư của Bộ LĐ-TB và XH, UBND tỉnh hoàn thiện cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị; tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy nghề cho giáo viên trong lĩnh vực thực hành; áp dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống cho nhiều lao động, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng NTM của huyện./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com