Văn hóa xưng hô trong gia đình thời hiện đại

07:11, 03/11/2012

Trong gia đình Việt Nam truyền thống, quan hệ xưng hô là một trong những nét đặc trưng, không kể đó là miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, miền xuôi hay miền ngược. Các thế hệ sống chung dưới một mái nhà với các mối quan hệ như: ông bà, cha mẹ, ông bà, cháu, cha mẹ, con cái, anh chị em với nhau... với cách xưng hô tương ứng đã tạo nên một lối hành xử bất thành văn nhưng được đảm bảo thực hiện bằng bổn phận và trách nhiệm của nhau trong một gia đình họ hàng dòng tộc.

Cách xưng hô trong một số gia đình hiện nay thường không thống nhất, đôi khi tuỳ tiện, thiếu chuẩn mực. Điều tưởng như nhỏ ấy lại là một trong những nguyên nhân làm cho quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo, thiếu bền vững.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “trên kính dưới nhường”, “gọi dạ bảo vâng”, qua những cách xưng hô thể hiện tính trật tự, văn hoá và điều đó tạo nên sự bền vững trong cuộc sống của gia đình. Ngày nay, khi mà mô hình gia đình ngày càng có xu hướng trẻ hoá, thì cơ cấu gia đình cũng có sự thay đổi nhanh chóng và theo đó là quan hệ trong gia đình cũng thay đổi theo. Gia đình có hai thế hệ là vợ chồng và con, đã tỏ ra thích nghi với xu thế xã hội mới, các thành viên ít chịu sự “giám sát” lẫn nhau. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực của mô hình gia đình hai thế hệ, đã bộc lộ những nét khiếm khuyết. Trong quan hệ vợ chồng đã có sự thay đổi trong cách xưng hô một cách phong phú và đa dạng hơn, đôi khi còn mang tính tuỳ tiện, thiếu chuẩn mực. Hai vợ chồng sau một hồi khẩu chiến đã trút hết các “mỹ từ” lên nhau, điều nguy hiểm là họ đã công khai chỉ trích nhau ngay trước mặt con cái. Họ đâu nghĩ rằng những từ ngữ đó sẽ in đậm trong đầu óc của những đứa con sau này. Trong quan hệ vợ chồng đã vậy, quan hệ cha mẹ, con cái, anh em còn phức tạp hơn, họ gọi nhau là “mày, tao; đồ này, đồ nọ...”, chính những ngôn từ đó đã làm cho trẻ khi ra ngoài xã hội, khi ứng xử đã trở nên thiếu tính mềm mỏng, thô lỗ, cục cằn và chống đối. Nếu các thành viên trong gia đình thiếu tế nhị trong giao tiếp, cách xưng hô thì từ các vấn đề tưởng như vô hại ấy sẽ trở thành một tiền lệ xấu gây tác hại không nhỏ đối với thế hệ trẻ sau này. Trước đây, trong gia đình có nhiều thế hệ nên các thành viên có sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Thời gian mà các thành viên dành cho nhau nhiều hơn, một cách thường xuyên hơn, mặt khác các chuẩn mực lễ giáo vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến các mối quan hệ trong gia đình. Ngược lại, trong tình hình kinh tế - xã hội phát triển với xu hướng trẻ hoá gia đình cộng với các quan niệm chuẩn mực mới về lối sống đạo đức... nên trong một chừng mực nào đó đã làm thay đổi các nề nếp, gia phong truyền thống nói trên. Mỗi chúng ta phải nhận thức được vấn đề và hãy tìm cách khắc phục các vấn đề trên một cách hợp lý. Trước hết người lớn ông bà, cha mẹ, anh chị phải là những tấm gương sáng, đồng thời có cách giáo dục con cái đúng đắn, mặt khác nên dành thời gian quan tâm đến nhau nhiều hơn. Một gia đình bền vững bao gồm nhiều yếu tố, nhưng rõ ràng quan hệ xưng hô trong gia đình là một yếu tố vô cùng quan trọng, vì thông qua đó chúng ta có thể dạy bảo con cái biết lễ phép, trên kính dưới nhường, kính trọng, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức xã hội, thông qua đó mỗi chúng ta sẽ tự hoàn thiện mình hơn.

Thông qua cách xưng hô, ứng xử trong từng gia đình, chúng ta có thể đánh giá đó là một gia đình có nề nếp, gia phong hay không? Một con người có văn hoá hay không? Những việc tưởng chừng như rất nhỏ ấy nhưng sẽ góp phần rất lớn để xây dựng một đời sống văn hoá mới trong gia đình và ngoài cộng đồng xã hội./.

Theo: baovanhoa.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com