Tập trung giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt

08:11, 20/11/2012

Chị Trần Thị Hà, nhà ở đối diện với đoạn đường ngang dân sinh mở trái phép qua đường sắt tại cầu Giáng, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) cho biết: Từ đầu năm đến nay, tại đây đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt. Do sinh sống ở đây lâu năm nên chị đã chứng kiến không ít vụ TNGT đường sắt. Nguyên nhân do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát khi vượt qua đường sắt nên va quệt với tàu; do xe chết máy giữa đường sắt, hoặc luống cuống khi xử lý tình huống, không làm chủ được phương tiện khi tàu tới gần. Hơn nữa, do đường sắt chạy song song với quốc lộ 21 nên rất ồn làm cho người qua lại rất khó phân biệt còi tàu với các loại phương tiện khác.

Vi phạm hành lang ATGT đường sắt tại đường Văn Cao (TP Nam Định).
Vi phạm hành lang ATGT đường sắt tại đường Văn Cao (TP Nam Định).

Trên địa bàn tỉnh, tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt hiện còn tồn tại nhiều vi phạm đáng báo động. Với tổng chiều dài trên 41,15km đường sắt đi qua 20 phường, xã, thị trấn của Thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, mới chỉ có 43 đường ngang hợp pháp, còn tới 358 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, trong đó huyện Mỹ Lộc có 28 đường, Thành phố Nam Định có 114 đường, Vụ Bản có 112 đường, Ý Yên có 104 đường. Trong 9 tháng năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ TNGT đường sắt, làm 10 người chết, 12 người bị thương; hầu hết số vụ tai nạn đều xảy ra tại những vị trí có đường ngang dân sinh mở bất hợp pháp. Nguyên nhân dẫn đến những vi phạm tự ý mở đường ngang qua đường sắt do trước đây khi cấp đất cho nhân dân, chính quyền các địa phương không quy hoạch đường giao thông vào khu dân cư, người dân ở trong tình trạng có nhà nhưng không có đường nên đã tự làm đường ngang qua đường sắt để đi. Đặc biệt, hầu hết các địa phương và ngành Đường sắt còn chưa chủ động khắc phục bằng biện pháp tổ chức cảnh giới tại các đường ngang. Do đường sắt chạy song song liền kề với các tuyến quốc lộ nên còn thường xuyên xảy ra tình trạng phương tiện tham gia giao thông đường bộ lao lên đường sắt gây hậu quả nghiêm trọng. Trước thực trạng này, ngành Giao thông và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam phê duyệt phương án thiết kế, xây dựng hệ thống hàng rào hộ lan giữa đường sắt và đường bộ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, tại nhiều đoạn đã được xây dựng hàng rào hộ lan lại rơi vào tình trạng không đạt yêu cầu do hàng rào quá cao so với tầm nhìn của người điều khiển xe đạp, xe mô tô và xe ô tô 4 chỗ; góc cắt về hai phía hàng rào với đường ngang còn cao, đối với vị trí có đường dân sinh hàng rào còn che khuất tầm nhìn, thậm chí che cả biển báo hiệu đường sắt; ban đêm ở đường bộ không quan sát được đường sắt, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; gây khó khăn cho công tác bảo vệ vật tư, thiết bị đường sắt của lực lượng chức năng. Mặt khác, việc bố trí lắp đặt hàng rào tại một số vị trí không hợp lý, chưa có hệ thống đường gom cho nhân dân đi lại nên nhiều đoạn đã bị người dân phá rào, làm lối đi qua đường sắt. Bên cạnh đó, các hộ dân sinh sống dọc đường sắt, đường bộ thường bám mặt đường để kinh doanh nên phát sinh nhiều vi phạm hành lang đường sắt. Dọc tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh, tại tất cả các địa phương đều tồn tại các vi phạm lấn chiếm hành lang đường sắt. Hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt là nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT đường sắt. Do người lái tàu bị che khuất tầm nhìn tại những điểm có cây cối hay công trình xây dựng, biển quảng cáo trong hành lang an toàn nên khó phát hiện sớm chướng ngại vật trên đường ray, không thể kịp thời xử lý tình huống. Đặc biệt, ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân còn rất thấp; ngay cả những đoạn đã có cảnh giới, cảnh báo an toàn đường sắt vẫn không được nhiều người tham gia giao thông chấp hành đúng quy định. Tại Thành phố Nam Định, trong 10 tháng năm 2012, có 3 vụ TNGT đường sắt và đều xảy ra ở các đường ngang hợp pháp. Mặc dù ngành Đường sắt đã cắm biển cảnh báo cho người và phương tiện qua lại, nhưng do ý thức của một số người tham gia giao thông quá kém, cố tình vượt qua đường sắt khi đã có đèn đỏ nên xảy ra tai nạn.

Để giảm thiểu số vụ TNGT đường sắt, Ban ATGT tỉnh đã kêu gọi sự vào cuộc, tham gia giữ gìn an toàn giao thông đường sắt của các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân. Hiện nay, khi chưa có đủ nguồn kinh phí để xây dựng toàn bộ hệ thống đường gom và hoàn thiện đúng tiêu chuẩn hệ thống bảo vệ hành lang an toàn đường sắt, các địa phương nơi có đường sắt đi qua cần tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân địa phương. Tiếp tục tuyên truyền để các hộ dân sinh sống ven tuyến đường sắt hiểu rõ các quy định của pháp luật về an toàn hành lang đường sắt. Giám sát, quản lý chặt chẽ, kiên quyết áp dụng tối đa chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường sắt, tạo tính răn đe và không để người dân tái diễn tình trạng vi phạm an toàn hành lang đường sắt. Về lâu dài, cần ưu tiên làm đường gom, tạo lối đi lại cho người dân đến điểm vượt đường sắt có gác chắn kết hợp làm hàng rào ngăn; khi chưa có đường gom thì chính quyền các địa phương phải bố trí cắt cử người cảnh giới tại các điểm có đường ngang dân sinh. Ban ATGT tỉnh đề nghị ngành Đường sắt quan tâm đầu tư kinh phí, nguồn nhân lực, hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, góp phần hạn chế tối đa số vụ TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Thúy Vy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com