Những năm gần đây, các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động công tác dân số - KHHGĐ. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong hướng dẫn hoạt động hằng năm về công tác tuyên giáo đã hướng dẫn hệ thống tuyên giáo các cấp triển khai thực hiện sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về lĩnh vực dân số - KHHGĐ; phối hợp định hướng các đơn vị truyền thông tăng cường dung lượng, thời lượng tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác dân số - KHHGĐ và những điển hình trong lĩnh vực này.
BĐBP tỉnh và Hội LHPN tỉnh tổ chức tổng kết hoạt động của CLB phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức các hội nghị báo cáo viên của tỉnh để cung cấp các thông tin về tình hình và hoạt động của công tác dân số - KHHGĐ; thường xuyên trích đăng tải các văn bản mới của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác dân số - KHHGĐ trên bản tin thông báo nội bộ. Đài PT-TH tỉnh hằng tháng, hằng quý trong kế hoạch tuyên truyền đều giao cho các phòng chuyên môn thực hiện các chủ đề về dân số - KHHGĐ. Nội dung và hình thức tuyên truyền đã có nhiều đổi mới. Cùng với đưa tin, bài về các hoạt động dân số - KHHGĐ, Đài PT-TH tỉnh còn lồng ghép tuyên truyền nội dung dân số - KHHGĐ trong các phóng sự, chuyên đề, chuyên mục; định hướng nội dung tuyên truyền về dân số - KHHGĐ cho đài phát thanh các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Báo Nam Định tập trung phản ánh các vấn đề xoay quanh công tác dân số như: Dân số và phát triển, các đề án, dự án nâng cao chất lượng dân số, những thành tựu đạt được cũng như những khó khăn thách thức trong công tác dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta; tác động của dân số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều lĩnh vực... Ủy ban MTTQ tỉnh duy trì việc xây dựng kế hoạch hằng năm, hướng dẫn MTTQ các cấp triển khai lồng ghép các mục tiêu của chiến lược dân số trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”, “Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Mặt trận để cung cấp kiến thức, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách dân số, đồng thời thường xuyên tổ chức các đợt truyền thông giáo dục về công tác dân số tới các thôn, xóm, khu dân cư theo các chuyên đề như: chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em... Hội Nông dân tỉnh triển khai cho 213 cơ sở hội phối hợp với ban dân số xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện chương trình phối hợp đẩy mạnh xây dựng mô hình CLB nam nông dân chủ hộ với công tác dân số nhằm nâng cao trách nhiệm và vai trò của đối tượng này trong việc thực hiện KHHGĐ. Phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa có 100% cơ sở hội đăng ký thực hiện. LĐLĐ tỉnh tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của CNVCLĐ về công tác dân số; tổ chức khám sức khỏe định kỳ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ CNVCLĐ. Sở VH, TT và DL chỉ đạo Trung tâm Thông tin Triển lãm xây dựng các cụm tranh cổ động, băng rôn, khẩu hiệu, với nội dung tuyên truyền về công tác dân số - KHHGĐ nhân ngày Dân số Việt Nam, ngày Dân số thế giới; chỉ đạo Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng triển khai nhiều đợt chiếu phim tuyên truyền về các nội dung công tác dân số - KHHGĐ. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các đội thông tin lưu động, các CLB văn nghệ quần chúng thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn các tiết mục văn nghệ có nội dung tuyên truyền về công tác dân số - KHHGĐ phục vụ nhân dân trong tỉnh. Sở VH, TT và DL còn chỉ đạo Phòng VH-TT các huyện, thành phố hướng dẫn cơ sở khi xây dựng hương ước đưa vào nội dung thực hiện công tác dân số - KHHGĐ; đưa tiêu chí dân số thành một trong những tiêu chí để bình xét công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Hội LHPN tỉnh phát động sâu rộng cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; tập trung nhân rộng các mô hình CLB “phụ nữ không sinh con thứ 3”, “xây dựng gia đình hạnh phúc”; tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ phụ nữ, chủ nhiệm các CLB và hội viên về Pháp lệnh Dân số; tích cực tham gia chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ ở cơ sở. Cán bộ, hội viên phụ nữ là lực lượng nòng cốt của đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên, cán bộ chuyên trách dân số. Các ngành thành viên khác như: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, GD và ĐT, LĐ-TB và XH, Cựu chiến binh, Công an, Bộ đội Biên phòng... cũng tích cực phối hợp tham gia chỉ đạo ngành mình triển khai thực hiện các hoạt động có liên quan đến công tác dân số - KHHGĐ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các chương trình, mục tiêu dân số; tạo môi trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực và dư luận xã hội thúc đẩy mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng chủ động thực hiện công tác dân số - KHHGĐ./.
Lam Hồng