Những người thầy “mặc áo lính”

08:11, 16/11/2012

Chúng tôi đến Trường Quân sự tỉnh đúng vào dịp lớp sỹ quan dự bị khóa IV vừa khai giảng và bắt đầu chương trình học tập được ít ngày. Khí thế thi đua “dạy tốt, học tốt” với quyết tâm hoàn thành toàn diện nội dung, chương trình thể hiện qua sự nghiêm túc và hiệu quả của các thầy giáo và học viên qua từng bài giảng, từng tiết học. Mặc dù chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm nhưng các thầy giáo mà các học viên thường gọi với cái tên trìu mến là những người thầy “mặc áo lính”, đều có những phương pháp truyền đạt nội dung bài giảng dễ hiểu, sinh động, sát thực tế và phù hợp với từng đối tượng đào tạo.

Khoa Giáo viên Trường Quân sự tỉnh đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ phục vụ nâng cao chất lượng huấn luyện.
Khoa Giáo viên Trường Quân sự tỉnh đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ phục vụ nâng cao chất lượng huấn luyện.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đội ngũ giáo viên của nhà trường đều là các cán bộ được chuyển về từ các đơn vị chủ lực hoặc từ các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh, hầu hết chưa qua lớp đào tạo về nghiệp vụ sư phạm. Trong khi đó đối tượng đào tạo của nhà trường khá đa dạng: từ đào tạo cán bộ quân sự cơ sở trình độ trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo sỹ quan dự bị; tập huấn cho cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho đội ngũ cán bộ các ngành, đoàn thể, hiệu trưởng, hiệu phó các trường THCS, THPT hay cho đối tượng học sinh, sinh viên… với thời gian, mục tiêu, yêu cầu đào tạo, huấn luyện khác nhau nên đòi hỏi đội ngũ giáo viên của nhà trường phải có phông kiến thức tổng hợp mới có thể đạt được kết quả cao… Khó khăn là vậy song những người thầy “mặc áo lính” đều nêu cao ý thức và tinh thần tự học, tự rèn, tự đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm. Trước những buổi lên lớp, các thầy đều có những giờ thông qua giáo án bài giảng để các đồng nghiệp bổ sung, đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm, qua đó xây dựng phương pháp giảng dạy, học tập phù hợp với từng đối tượng. Là quân nhân đã gần 20 năm “binh nghiệp”, Trung tá Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Giáo viên, đã có nhiều năm gắn bó với công tác huấn luyện ở nhiều đơn vị chủ lực: Quân đoàn I, Bộ Tư lệnh Hải quân rồi ở đảo Trường Sa, nhưng khi được điều chuyển về làm công tác đào tạo ở Trường Quân sự tỉnh cũng không tránh khỏi những khó khăn, khi tiếp cận với những nội dung, kiến thức về công tác quân sự địa phương. Do đặc thù của giáo viên quân sự địa phương là giảng dạy những nội dung sát với tình hình, hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương và mang tính đặc trưng của địa bàn, nên giáo viên phải dành thời gian thâm nhập thực tế, tìm hiểu địa bàn cơ sở cũng như tham gia các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ ở địa phương để có thể nắm chắc về những nhiệm vụ, công tác quân sự quốc phòng địa phương, từ đó xây dựng, hoàn thiện giáo án bài giảng của mình. Trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ huấn luyện của nhà trường còn khó khăn, thiếu đồng bộ, các thầy đã chủ động khắc phục bằng cách phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến, nghiên cứu cải tiến mô hình học cụ, thiết bị giảng dạy phục vụ nâng cao chất lượng công tác huấn luyện và trở thành một phong trào thi đua sôi nổi trong Khoa Giáo viên. Đã có nhiều sáng kiến của các thầy giáo đã phát huy được hiệu quả thiết thực trong công tác thực hành, huấn luyện cho học viên như: thiết bị kiểm tra đường ngắm của súng tiểu liên AK, kính ngắm súng K54, thùng khói phục vụ huấn luyện chiến thuật, hàng rào huấn luyện chiến thuật, đèn thiết kế gắn trên mũ phục vụ huấn luyện ban đêm… Có chứng kiến việc các thầy giáo “đổ mồ hôi” trên thao trường, miệt mài hướng dẫn học viên huấn luyện, thục luyện từ những động tác cá nhân đến những bài tập chiến thuật tổ, đội mới thấy hết được hiệu quả và tác dụng của những sáng kiến mô hình học cụ giúp các học viên tiếp thu nhanh bài giảng và nhanh chóng nắm được các kỹ năng, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, chiến thuật trong tác chiến khu vực phòng thủ địa phương.

Thượng tá Nguyễn Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh cho biết: Xác định đội ngũ cán bộ, giáo viên là nhân tố then chốt, quyết định chất lượng đào tạo, ngoài những nội dung bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho giáo viên, nhà trường luôn khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên tự học, tự nghiên cứu, trau dồi bổ sung kiến thức thực tiễn vào trong các bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học. Hiện, hầu hết đội ngũ giáo viên của nhà trường đã đảm nhiệm được nội dung theo chương trình huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng học viên, nhiều giáo viên có khả năng hoàn thành tốt nội dung giảng dạy cho nhiều đối tượng và trên 90% biết áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Từ năm 2009 đến nay, nhà trường mở 2 khóa đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn trình độ trung cấp chuyên nghiệp cho 155 đồng chí; mở 50 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng 3; giáo dục quốc phòng cho 39.100 học sinh, sinh viên các trường THPT, cao đẳng, đại học trên địa bàn… Kết thúc các khoá huấn luyện, qua kiểm tra đánh giá, có 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 75% khá, giỏi. Theo kết quả phối hợp khảo sát tại các địa phương, cán bộ, học viên học tập tại nhà trường đều vận dụng tốt kiến thức được trang bị vào thực tế công tác, trên 25% số cán bộ, đào tạo được bổ nhiệm giữ chức danh chủ chốt ở xã, phường, thị trấn.

Kết quả chất lượng đào tạo của Trường Quân sự tỉnh những năm qua không ngừng được nâng lên có một phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ giáo viên - những người thầy “mặc áo lính”./.

Bài và ảnh: Thu Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com