Trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng có hai tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo, với gần 100 chức sắc tôn giáo đang hoạt động ở 60 chùa và 124 nhà thờ xứ, họ. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng bào các tôn giáo trong huyện luôn đoàn kết, gắn bó xây dựng quê hương. Các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Xây dựng chùa tinh tiến”, “Xây dựng giáo xứ, giáo họ không ma túy, tội phạm và tệ nạn xã hội”; đặc biệt là công tác hoà giải ở cơ sở đã có sự tham gia tích cực của các chức sắc tôn giáo trong việc vận động tín đồ, giáo hữu thực hiện tốt các quy định, góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong gia đình và cộng đồng, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Xác định các chức sắc tôn giáo là những người có uy tín, ảnh hưởng sâu sắc đến cộng đồng dân cư nên hằng năm, khi tiến hành kiện toàn các tổ hòa giải cơ sở, UBND huyện đều chỉ đạo Phòng Tư pháp và Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với các xã, thị trấn lựa chọn, giới thiệu những chức sắc tôn giáo tiêu biểu. Hiện nay, ở 339 tổ hòa giải thuộc 25 xã, thị trấn trong huyện đều có chức sắc tôn giáo tham gia. Để nâng cao năng lực hoạt động của các chức sắc tôn giáo trong công tác hòa giải ở cơ sở, Phòng Tư pháp phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoà giải và kết hợp với việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành; các phương pháp, cách thức tiến hành hoà giải; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; trang bị tài liệu bổ sung vào tủ sách pháp luật cho các cơ sở thờ tự. Ngoài ra, lãnh đạo các xã, thị trấn thường xuyên động viên, thăm hỏi, nắm bắt tư tưởng cũng như tâm tư, nguyện vọng và hướng hoạt động tôn giáo theo đúng các quy định của Nhà nước, đồng thời trao đổi với các chức sắc tôn giáo địa phương tham gia công tác hòa giải ở cơ sở theo từng vụ việc cụ thể. Do đó, vai trò của các chức sắc tôn giáo trong hoạt động hoà giải ở cơ sở ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Khi có sự đề nghị và trao đổi của chính quyền cơ sở hoặc tổ trưởng tổ hòa giải, các chức sắc tôn giáo thường thông qua việc giảng lễ ở nhà thờ, nhà chùa để khuyên răn tín đồ, giáo hữu làm điều hay, việc thiện. Trong đời thường, các chức sắc tôn giáo luôn gần gũi, thăm hỏi, giúp đỡ những người khó khăn, giảng giải cho tuổi trẻ biết chăm ngoan, kịp thời nắm bắt những mâu thuẫn mới phát sinh. Dựa trên cơ sở những kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải, bằng uy tín kết hợp với việc vận dụng linh hoạt các phương thức hoà giải, các chức sắc tôn giáo đã giải quyết thành công các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư. Thời gian qua, các địa phương trong huyện triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới nên có nhiều ý kiến khác nhau trong nhận thức của người dân về mức đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trước thực trạng trên, ngành Tư pháp, Ủy ban Mặt trận các cấp cùng các chức sắc tôn giáo đã tuyên truyền, vận động tín đồ và nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới; kịp thời hòa giải những xích mích trong các hộ dân, đảm bảo sự hòa thuận trong giáo xứ, giáo họ, trong cộng đồng tín đồ các chùa nơi sinh sống và phụ trách. Nhiều chức sắc tôn giáo đã tích cực vận động thuyết phục nhân dân dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới; vận động, quyên góp ủng hộ người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa… tặng các hộ nghèo ở địa phương.
Với những đóng góp của các chức sắc tôn giáo trong công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần đem lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ hoà giải thành công các vụ việc phát sinh ngày càng tăng. Từ đầu năm đến nay, các tổ hoà giải trên địa bàn huyện đã giải quyết 408 vụ việc mâu thuẫn, trong đó hoà giải thành công 307 vụ việc; ở nhiều lĩnh vực tỷ lệ hòa giải thành đạt 100% như các mâu thuẫn về đất đai, tài nguyên môi trường. Công tác hoà giải đã góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội của huyện phát triển./.