Ngoài nghề sản xuất nước mắm Sa Châu truyền thống, những năm qua trên địa bàn xã Giao Châu (Giao Thủy) còn phát triển các nghề mới như: cơ khí, đan móc sợi… Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn xã đã có thêm 1.234 hộ dân phát triển ngành nghề và các dịch vụ khác. Tuy nhiên cùng với phát triển kinh tế cũng đã nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.
Để giải quyết tình trạng này, Đảng ủy, UBND xã Giao Châu đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giữ gìn “tình làng, nghĩa xóm”, tạo sự đoàn kết trong nhân dân. Đồng chí Lê Hồng Đăng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hằng năm, Ban hòa giải xã và các tổ hòa giải tại địa bàn dân cư được củng cố và được tập huấn kiến thức pháp luật, do đó hoạt động hòa giải đạt được kết quả tích cực. Ngoài ban hòa giải của xã gồm 7 thành viên, ở 12 xóm trong xã đều có tổ hòa giải, với 75 thành viên. Thành công nhất trong công tác hòa giải tại Giao Châu thời gian qua là hòa giải những mâu thuẫn bất đồng trong việc thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) xây dựng nông thôn mới. Do đồng đất không đồng đều, người dân đã nắm bắt được đặc điểm canh tác của từng thửa ruộng nhà mình và đã đầu tư nhiều công sức cải tạo đất, thủy lợi nên khi triển khai thực hiện việc DĐĐT có nhiều ý kiến không đồng tình. Tại các buổi họp xóm lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng kế hoạch DĐĐT, đã có nhiều ý kiến bất đồng giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mâu thuẫn ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện kế hoạch.
Cán bộ ban hòa giải xã Giao Châu (Giao Thủy), bám sát địa bàn, kịp thời hòa giải những mâu thuẫn phát sinh tại địa bàn dân cư. |
Trước tình hình đó, ban hòa giải xã và các tổ hòa giải ở địa bàn dân cư đã chủ động “vào cuộc”. Là những người gần gũi nhất, nắm rõ nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và tâm tư, nguyện vọng của các bên, các tổ hòa giải tại 12 xóm đã xác định đối tượng, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và lựa chọn thời điểm thích hợp đến tận nhà tuyên truyền, vận động, phân tích để người dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi để cùng chung sức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, giúp họ hiểu và tự giác thực hiện. Trong quá trình thực hiện kế hoạch DĐĐT, các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải kịp thời gần 90 vụ việc bằng hình thức thương lượng, thuyết phục và áp dụng cả biện pháp cương quyết cưỡng chế của ban hòa giải và chính quyền xã. Do đó, từ tháng 8 đến tháng 12-2011, xã đã hoàn thành công tác DĐĐT theo kế hoạch. Hầu hết các hộ trong xã chỉ còn 1 thửa canh tác và là 1 trong 4 xã hoàn thành sớm việc DĐĐT của huyện. Đặc biệt, trong quá trình DĐĐT, nhân dân trong xã đã ủng hộ 8,3m2/sào đóng góp vào quỹ đất công với tổng diện tích 105.371m2 để làm các công trình công cộng như nhà văn hóa xóm, đất quy hoạch làng nghề, đất CCN, khu thể thao, đất dãn dân và quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng. Cùng với việc hòa giải những mâu thuẫn trong công tác DĐĐT, các mâu thuẫn dân sự về tranh chấp đất đai, chia thừa kế, hôn nhân, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn từ sinh hoạt hằng ngày ở thôn, xóm, cũng được ban hòa giải xã cùng các tổ hòa giải nắm bắt và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh được mâu thuẫn phát sinh gây nên những vụ việc phức tạp mang tính hình sự. Điển hình như trong tháng 5-2012, xảy ra việc anh H ở xóm Tiên Hưng mới làm nghề sửa chữa ô tô, gây tiếng ồn lớn khiến anh V nhà liền kề không chịu được. Sau nhiều lần lời qua tiếng lại, đã xảy ra xô xát giữa 2 bên gia đình và có nguy cơ nảy sinh phức tạp. Ngay khi mâu thuẫn xảy ra, tổ hòa giải xóm Tiên Hưng đã có mặt kịp thời can ngăn và gặp gỡ từng người phân tích đúng sai. Phía gia đình anh H cố gắng tránh việc gây tiếng ồn vào giờ nghỉ và vệ sinh sạch sẽ dầu mỡ, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng xóm; phía gia đình anh V cũng nên thông cảm với việc mưu sinh của hàng xóm mà tạo điều kiện cho anh H làm nghề. Bằng những phân tích có lý, có tình, hai bên gia đình đã cam kết thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của mình cùng giữ mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Nhờ phát huy thế mạnh trong công tác hòa giải tại địa bàn dân cư, xã Giao Châu đã giải quyết được những mâu thuẫn mới phát sinh từ cơ sở. Từ đầu năm đến nay, ban hòa giải xã đã tiến hành hòa giải 10 vụ việc, các tổ hòa giải đã tham gia hòa giải 25 vụ việc; tỷ lệ hòa giải thành công đạt 85-90%, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng