Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thành phố Nam Định hiện có 7 giáo viên. Nói là giáo viên nhưng thực ra họ phải “đóng” nhiều vai trên lớp. Là bố, là mẹ, là bác sĩ, là người chăm sóc cho các em. Trung tâm có một lớp trị liệu ngôn ngữ (dạy trẻ em câm điếc phát âm, kết hợp dạy và trị liệu với các phương pháp điện châm, thủy châm); 2 lớp học văn hóa (dành cho trẻ em khuyết tật, chất độc da cam, thiểu năng trí tuệ ở đa dạng các lứa tuổi); 1 lớp học kỹ năng sống cho trẻ em tự kỷ (dạy nói, đọc và các kỹ năng xã hội…); 1 lớp học cho trẻ em thiểu năng trí tuệ và bệnh đao (dạy ăn cơm, uống nước, vệ sinh cá nhân…). Lớp học dạy nghề (dạy cắt may, cắm hoa, thêu) cho trẻ em khuyết tật theo các dự án tài trợ của Mỹ, Pháp…
Lớp học ngôn ngữ hiện có 13 em, chia làm 2 buổi sáng, chiều hiện do cô Nguyễn Thị Tú phụ trách. Đã ngót 4 năm đứng lớp, công việc của cô Tú bắt đầu từ 7h30 đến 11h, buổi chiều bắt đầu từ 2h và kết thúc lúc 5h, từ thứ 2 đến thứ 6. Được chứng kiến những giờ lên lớp của cô Tú trong lớp dạy ngôn ngữ mới thấy, để làm được công việc hằng ngày đòi hỏi một sự kiên nhẫn tuyệt vời mà nếu không có tình yêu tình thương thực sự đối với các em học sinh thì rất khó làm được. Trong khoảng 30 phút cô Tú vừa dạy các em cách phát âm, đọc số, vừa phải quản lý học sinh vì hễ cứ có việc gì không hài lòng về nhau, về cô giáo là trẻ khuyết tật sẵn sàng lao vào nhau. Có lần cô đang cầm thước chỉ những con số dạy cho các em cách phát âm, bỗng một học sinh tiến lại gần “giật” lấy thước và tự đọc cho cả lớp nghe. Hiện giờ, các học sinh trong lớp của cô đã có thể phát âm theo cô những chữ như a, b, c… hoặc những số đếm đơn giản. Khi cô giơ tay, các em cũng biết giơ tay lên mới được phát biểu. Chỉ chừng ấy biểu hiện thôi cũng phải mất tới 2 năm cô trò vật lộn với nhau, cùng nhau cố gắng từng chút một. Tình trạng này không chỉ có ở lớp ngôn ngữ mà phổ biến trong mọi lớp học của trung tâm. Cô Phan Thị Hương, hiện đang phụ trách lớp học dành cho trẻ tự kỷ với 6 học sinh từ 5-7 tuổi. Thời gian cô gắn bó với trung tâm tính đến nay đã được 5 năm. Lớp học có 6 học sinh thì phải có 6 “giáo án”, với những phương pháp giảng dạy khác nhau. Với cháu ưa tình cảm thì phải tình cảm, với các cháu ngang bướng thì cần phải áp dụng những phương pháp đặc biệt để khích lệ... Quan trọng là trong phương pháp dạy phải luôn linh hoạt, sáng tạo để thu hút học sinh. Lớp học dành cho trẻ thiểu năng trí tuệ và bệnh đao của cô Trần Thị Huyền và Vũ Thị Hạnh cũng gặp không ít khó khăn khi phải làm quen, tạo lòng tin và tình yêu, sự kiên nhẫn với các em. Lớp hiện có 5 học sinh từ 7-9 tuổi. Trước khi đến với Trung tâm, các cô đều là những giáo viên mầm non. Gắn bó với những học sinh khuyết tật, nhiều khi các cô cũng “nản”. Nhưng vượt qua những khó khăn, tập thể giáo viên của Trung tâm vẫn ngày ngày làm công việc giảng dạy “khác thường” của mình để ươm nên những hy vọng cho những cuộc đời không may mắn.
Trong lớp học trị liệu ngôn ngữ của cô Nguyễn Thị Tú. |
Hầu hết các thầy, cô giáo ở Trung tâm khi kể về lý do giảng dạy ở đây đều cho biết, họ đến với các em học sinh vì có thể hiểu, nói chuyện và muốn chia sẻ với các em. Cô Trần Thị Huyền có lần đến Trung tâm nhìn thấy các em nhỏ ở đây thì “thương quá” mà quyết tâm gắn bó với công việc. Thầy Trần Quý Minh dạy lớp văn hoá thì nghĩ, thời gian về hưu rảnh rỗi nên làm việc gì đó có ích, giúp đỡ cho những người thiệt thòi… Tất cả các thầy, cô giáo ở Trung tâm đều đến với các em từ tình thương trẻ, sự cảm thông đối với những cuộc đời không may mắn. Xác định khi nhận công việc này là vất vả, nhọc nhằn song vì khao khát được gần gũi, chia sẻ với các em nên họ đã kiên trì vượt qua. Không chỉ là thầy, cô giáo mà họ còn là người cho các em ăn vào mỗi buổi trưa, là người trò chuyện, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thậm chí chịu đựng bực tức của các em hằng ngày. 11h trưa ở Trung tâm đã thấy cô Hương “khệ nệ” bê cơm, canh, thức ăn lên tầng cho các em ăn. Các cô xúc cơm đút cho từng em. Nếu không coi các em như con cái mình thì khó có thể làm được chừng ấy việc. Em Nguyễn Ngọc Minh (TP Nam Định) là học sinh của lớp cô Hương. Khi gia đình gửi em vào Trung tâm, do chưa quen với môi trường mới, em khóc “vật vã” suốt 3 tháng. Sau gần một năm học với tình thương, sự kiên nhẫn của cô Hương, Minh đã biết đánh vần, đọc chữ cái, nói chuyện và chia sẻ với cô, coi cô như người thân trong gia đình. Thầy Minh dạy học sinh đếm được bàn tay 5 ngón, nhìn học sinh cười rạng rỡ mà trong lòng ngập tràn hạnh phúc... Mỗi một ngày dù công việc thu được kết quả còn nhỏ nhoi nhưng sau vài tháng, một năm, các em đã có thể đọc, nói, viết, chia sẻ được với các thầy, cô giáo là niềm vui không gì bù đắp được trong công việc thường ngày.
Dù đồng lương còn ít ỏi, công việc thì nặng nhọc nhưng các thầy, cô giáo ở trung tâm đều xác định sẽ gắn bó với các em học sinh của mình lâu dài. Bởi họ tin rằng, nếu có tình thương yêu thực sự thì sẽ có động lực để làm nhiều việc tốt./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân