Bão số 8 đã gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống kết cấu hạ tầng, sản xuất và đời sống dân sinh của huyện Giao Thủy. Hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, đổ tường bao, hàng chục ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn. Nhiều cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà xưởng của doanh nghiệp bị hư hại nặng. Hơn 1.500ha lúa mùa, 1.500ha cây màu vụ đông bị đổ, dập nát và ngập trong nước. Ngoài ra, các trạm điện cột viễn thông, cột PT-TH của huyện và xã bị đổ gập, 28 tàu, thuyền tại khu neo đậu bị chìm. Đặc biệt, các vùng nuôi trồng thuỷ sản với trên 1.500ha có nguy cơ bị mất trắng. Trên 80% diện tích đầm nuôi ngao thịt bị cuốn trôi, 100ha nuôi ngao giống bị gió và sóng cuốn ra biển…
Ngay sau bão số 8, nông dân các xã trong huyện Giao Thuỷ gấp rút thu hoạch được trên 1.500ha trong số 1.700ha lúa mùa bị ngập đổ, chủ yếu là lúa đặc sản: tám, nếp và BC15. Tại các xã ven biển, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện và gần 40 chiến sĩ đại đội huấn luyện cơ động, Đồn Biên phòng Ba Lạt (BĐBP tỉnh) đã giúp nhân dân gặt lúa, lợp lại mái nhà bị tốc mái. Ở xã Giao An, ngay sau bão tan, từ rạng sáng, các chiến sĩ BĐBP đầm mình trong nước cùng bà con gặt lúa, giúp đỡ các gia đình khắc phục hậu quả do bão gây ra. Thượng tá Trần Xuân Đãi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Lạt, cho biết: Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều tự nguyện đến từng nhà dân, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo chung tay khắc phục thiệt hại do bão số 8 gây ra. Đến nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Ba Lạt đã cùng với nông dân gặt hơn 5ha lúa bị ngập sâu trong nước, giúp dân dựng, lợp hàng trăm mái nhà bị tốc mái, sớm ổn định cuộc sống. Anh Trần Văn Thuỷ, dân quân xã Giao An có vợ mới sinh con, mẹ già yếu nhưng vẫn cùng đồng đội giúp các gia đình bị bão làm sập nhà, tốc mái, cùng bộ đội xuống đồng gặt lúa giúp dân. Những việc làm đầy tình nghĩa, trách nhiệm của các cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã làm người dân vùng bão Giao Thuỷ thêm ấm lòng sau những ngày phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề của bão số 8.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ba Lạt giúp nhân dân xã Giao An (Giao Thuỷ) gặt lúa bị ngập sau bão số 8. |
Cùng với việc thu hoạch diện tích lúa mùa còn lại bị ngập trong nước, nông dân cũng khẩn trương thu dọn diện tích rau màu bị dập nát, xới lại đất để chuẩn bị trồng lại những diện tích rau màu bị mất trắng. Diêm dân các xã Bạch Long, Giao Phong và Thị trấn Quất Lâm khẩn trương dựng lại kho muối bị đổ, sửa chữa ô nề, thống chạt bị hư hại. Trước đó, để nhanh chóng rút nước tiêu úng, ngay từ sáng 29-10, huyện đã chỉ đạo Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thuỷ mở tất cả các cống tiêu nước ra biển, đồng thời chỉ đạo Phòng NN và PTNT xây dựng phương án hỗ trợ nông dân trong sản xuất vụ đông, nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các trang trại chăn nuôi tích cực phun phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh. Các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, khử trùng tiêu độc ở những nơi bị ngập úng. Điện lực Giao Thuỷ cũng nhanh chóng khắc phục hậu quả thiệt hại sau bão, trong đó ưu tiên cho các bệnh viện, trường học, nhà máy nước, trạm bơm, các cơ quan của Đảng, chính quyền và các điểm, cụm công nghiệp… Đến 19h ngày 31-10-2012, khu vực trung tâm huyện đã có điện lưới trở lại. Đối với các tuyến đường dây bị thiệt hại nặng ở các xã, nhất là các đường điện nông thôn sẽ nhanh chóng khắc phục xử lý sớm để đóng điện phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Từ 20 giờ ngày 31-10, Đài PT-TH huyện đã phối hợp với Viễn thông Giao Thuỷ để phát sóng phát thanh trở lại.
Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của huyện uỷ, UBND huyện cùng sự nỗ lực của các ngành, các địa phương và nhân dân, huyện Giao Thuỷ đang khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 8, sớm ổn định đời sống nhân dân./.
Bài và ảnh: Việt Thắng