Cấu tạo, thiết kế nhà tiêu tự hoại với bể xây bằng gạch

08:11, 09/11/2012

Đặc điểm chung

Nhà tiêu có bể tự hoại là loại nhà tiêu phổ biến nhất nước ta hiện nay. Bể tự hoại có thể phục vụ cho một khu vệ sinh, một hộ gia đình hay nhóm hộ gia đình… Bể tự hoại có nhiều ưu điểm như hiệu suất xử lý ổn định, chiếm ít diện tích, giá thành rẻ và việc xây dựng, quản lý đơn giản nên dễ được chấp nhận. Nhà tiêu có bể tự hoại hai hoặc ba ngăn thường được xây dựng gần nhà hoặc trong nhà để tiện sử dụng.
Nhà tiêu có bể tự hoại 2 hoặc 3 ngăn chỉ thích hợp cho những nơi có nhiều nước, không tận dụng nguồn phân để làm phân bón cho cây trồng.

Cấu tạo, thiết kế

- Bể tự hoại: bể xử lý có loại 3 ngăn hoặc 2 ngăn. Bể 2 ngăn gồm: ngăn chứa có kích thước lớn, chiếm tối thiểu 2/3 dung tích bể; ngăn lắng chiếm 1/3 dung tích bể. Bể tự hoại 3 ngăn gồm: ngăn chứa có dung tích tối thiểu 1/2 dung tích bể; 2 ngăn lắng, mỗi ngăn chiếm 1/4 dung tích bể.

- Bệ tiêu: Có thể là bệ tiêu bệt hoặc bệ tiêu xổm, được làm bằng các vật liệu như sứ tráng men hoặc granite xi măng lưới thép. Bệ tiêu được làm thật nhẵn để dễ cọ rửa và đẩy trôi chất thải dễ dàng. Bệ tiêu được nối liền với ống dẫn chất thải và được cấu tạo sao cho luôn luôn có nút nước kín. Nút nước này là chi tiết kỹ thuật quan trọng của nhà tiêu tự hoại, có tác dụng ngăn mùi hôi từ bể chứa thoát ra ngoài, đồng thời ngăn ruồi, nhặng và các côn trùng khác tới sinh đẻ trong bể chứa chất thải.

- Nhà tiêu: Có thể được xây bằng gạch và lợp bằng tre, nứa, lá hoặc đổ mái bằng nhưng phải đảm bảo tác dụng che mưa nắng và kín đáo cho người sử dụng.

- Ống thông hơi: Có đường kính ít nhất là 2cm, cao hơn mái nhà tiêu ít nhất 40cm./.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com