Đưa đồng vốn đến với phụ nữ nghèo

05:10, 20/10/2012

Gia đình chị Phạm Thị Biên ở thôn Nguốn 14, xã Yên Cường (Ý Yên) trước đây là hộ nghèo của xã. Năm 1996, chồng chị lại bị tai nạn lao động, sức khỏe giảm sút; rồi đến con gái lớn bị tai nạn điện giật khiến gia đình chị rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, BCH Hội Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp Ngân hàng CSXH cho chị vay 5 triệu đồng để phát triển kinh tế. Chị bàn với chồng đầu tư vào chăn nuôi gà, lợn, chim bồ câu. Sau năm đầu tiên, chị đã trả được 2 triệu đồng tiền vay ngân hàng và còn tích luỹ được chút ít. Chị tiếp tục đầu tư mua thêm con giống, cải tạo chuồng trại kết hợp nuôi gà, lợn, chim bồ câu và bò. Nhờ bản tính chăm chỉ, cần cù của cả 2 vợ chồng nên trang trại chăn nuôi của gia đình ngày càng phát triển, lúc nào trong chuồng cũng có hàng trăm đôi chim bồ câu, 500-600 con gà, vài chục con lợn và một cặp bò giống. Nhờ phát triển chăn nuôi nên gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định, sửa sang được nhà cửa, nuôi dạy con cái trưởng thành.

Ngoài gia đình chị Biên, trên địa bàn xã Yên Cường còn có nhiều chị khó khăn được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ để vươn lên thoát nghèo. Chị Phạm Thị Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Cường cho biết: Toàn xã hiện có 302 hộ nghèo, trong đó còn 88 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Thời gian qua Hội LHPN xã đã tích cực khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó có 32 phụ nữ nghèo được vay vốn, riêng trong năm 2011 đã có 7 hộ thoát nghèo. Đến nay, Yên Cường là xã có dư nợ vốn vay từ Ngân hàng CSXH cao nhất nhì huyện với tổng dư nợ đạt trên 12 tỷ 884 triệu đồng.

Cho vay vốn, dạy nghề tạo việc làm đã giúp nhiều hội viên phụ nữ xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) thoát nghèo.
Cho vay vốn, dạy nghề tạo việc làm đã giúp nhiều hội viên phụ nữ xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) thoát nghèo.

Thực tế cho thấy, các hộ nghèo phần lớn là do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Nhiều chị em phụ nữ có mong muốn vay vốn từ các nguồn vốn tín dụng nhưng không có tài sản thế chấp. Với trách nhiệm của mình, Hội Phụ nữ các cấp đã tích cực, chủ động đứng ra tín chấp, khai thác các nguồn vốn vay từ nhiều tổ chức tín dụng như Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT, Quỹ Tình thương (TYM), Quỹ tín dụng Việt - Bỉ… để giúp chị em có cơ hội thoát nghèo. Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đang quản lý 1.150 tỷ đồng giúp cho 111.591 hộ được vay, trong đó gần 40 nghìn hộ nghèo, 22.223 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Nếu như nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH với lãi suất ưu đãi dành cho hộ nghèo thì đối với những gia đình hội viên quá nghèo không tiếp cận được các nguồn vốn khác do không có tài sản thế chấp, Quỹ TYM lại mang đến cho họ cơ hội thoát nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống. Với cơ chế hoàn trả vốn lãi hằng tuần khá phù hợp với phụ nữ nông thôn, Quỹ TYM đã tạo ra cho các chị thói quen tiết kiệm cũng như giúp các chị biết tính toán. Trước khi tham gia vào quỹ, nhiều chị chỉ biết trông vào cây lúa, hạt thóc nhưng nhờ cơ chế trả tiền tuần, các chị đã năng động, tính toán mở mang sản xuất, ngành nghề phụ hay buôn bán nhỏ, từ đó nâng cao thu nhập, ngoài trả được tiền hằng tuần đã có tiền tích luỹ, xây sửa nhà cửa, mua sắm vật dụng trong gia đình. Qua khảo sát cho thấy hầu hết đời sống các gia đình thành viên được cải thiện rõ rệt, đến nay đã có 40% gia đình có nhà mái bằng, không còn gia đình ở nhà tranh tre, 100% gia đình có phương tiện nghe nhìn, con cái có điều kiện học hành. Điển hình như trường hợp của chị Phạm Thị Hiến ở xã Nam Dương (Nam Trực) thuộc diện hộ nghèo, cả gia đình 5 người chỉ trông vào nghề làm bánh tráng của chị, chồng chị lại thường xuyên ốm đau, cả nhà đang phải đi ở nhờ nhà một người họ hàng. Khi Quỹ TYM được triển khai tại xã, chị được các thành viên trong cụm 16 bình xét vay 7 triệu đồng. Số tiền đó với chị lại là cả một tài sản lớn giúp chị đầu tư chăn nuôi và bán thêm chút hàng vặt. Chắt bóp, tằn tiện cộng thêm thu nhập từ nghề làm bánh tráng, ngoài việc hoàn trả vốn lãi 160 nghìn đồng/tuần, chị đã dành dụm được chút đỉnh lo cho cuộc sống. Cùng với hoạt động cho vay vốn, quỹ duy trì hoạt động tương trợ, một hoạt động mà ít có tổ chức tín dụng nào làm được. Mỗi tuần mỗi thành viên góp vào quỹ 2 nghìn đồng, số tiền này sẽ dùng để thăm hỏi thành viên khi ốm đau, cha già mẹ héo. Trong trường hợp thành viên phải phẫu thuật hoặc nằm viện được hỗ trợ từ 250 nghìn đến 1 triệu đồng, trường hợp thành viên không may qua đời, gia đình sẽ được hỗ trợ 750 nghìn đến 3 triệu đồng và được xoá hoàn toàn số tiền còn nợ và hoàn trả số tiền gốc đã trả. Sau 18 năm đi vào hoạt động, Quỹ TYM đã hỗ trợ cho hàng nghìn trường hợp với tổng số tiền trên 1 tỷ  đồng. Điển hình như trường hợp chị Phạm Thị Sanh, cụm 15 thôn Lê Lợi, xã Yên Phúc (Ý Yên) không may qua đời, quỹ đã xoá nợ và hoàn trả lại số tiền gốc chị đã trả là trên 20 triệu đồng, giúp gia đình chị vơi đi phần nào những khó khăn.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh còn 54.511 hộ nghèo; trong đó có 23.644 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Với trách nhiệm của mình, thời gian tới, chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội tiếp tục hướng vào mục tiêu tăng cường các hình thức hỗ trợ phụ nữ nghèo, tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo thoát nghèo. Tranh thủ khai thác các nguồn lực trong và ngoài nước để tổ chức các hoạt động của Hội và tăng nguồn vốn vay giúp phụ nữ nghèo phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống./.

Bài và ảnh: Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com