Trên mặt trận mới

08:10, 15/10/2012

Người dân xóm 2 Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đều biết đến tấm gương “vượt khó”, làm giàu của CCB Nguyễn Minh Quý. Sau gần 7 năm trong quân ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên rồi bên nước bạn Căm-pu-chia, năm 1981, anh Quý xuất ngũ với tỷ lệ thương tật 31%. Trở về quê hương trong lúc cuộc sống gia đình bộn bề khó khăn vất vả, sức khỏe giảm sút do thương tật, anh Quý xin vào làm thủ kho HTX Nghĩa Sơn. Với bản tính cần cù, chịu khó, ngoài làm việc ở HTX, anh còn “xoay xở” nhiều nghề để nuôi các con ăn học. Thời điểm đó, nhận thấy nghề đóng tàu có xu hướng phát triển, anh đi học nghề ở xưởng đóng tàu Quyết Thắng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) sau đó anh đi làm công nhân cho các xưởng đóng tàu ở Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Sau hơn 10 năm đi làm, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Đến năm 1999, anh Quý mạnh dạn vay mượn vốn liếng mở xưởng đóng tàu tại khu đất bãi của gia đình. Những ngày đầu “khởi nghiệp” do vốn ít, nên xưởng của anh mới chỉ sửa chữa nhỏ lẻ. Để mở rộng sản xuất, anh đã lặn lội ra Hải Phòng, Quảng Ninh để thăm dò thị trường và tìm mối hàng. Từ những đơn đặt hàng đầu tiên nhận được, xưởng đóng tàu của gia đình anh đã tạo uy tín cho khách hàng cả về chất lượng và giá thành sản phẩm. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều khách hàng ở Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình đã tìm đến xưởng của anh đặt đóng mới tàu chở cát, chở vật liệu xây dựng. Ban đầu là những con tàu trọng tải nhỏ, dần dần anh nhận được những đơn hàng đóng những con tàu trọng tải hàng trăm tấn, quy mô cơ sở sản xuất của anh cũng được mở rộng với mặt bằng trên 1.000m2. Vào thời điểm “thịnh vượng” của nghề đóng tàu, mỗi năm cơ sở sản xuất của anh Quý cho xuất xưởng 40-50 con tàu và tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động với thu nhập bình quân khoảng 3,5-4 triệu đồng/người/tháng, trong đó có nhiều con em của CCB, cựu quân nhân trong xã.

Xưởng đóng tàu của gia đình CCB Nguyễn Minh Quý, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với thu nhập 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Xưởng đóng tàu của gia đình CCB Nguyễn Minh Quý, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với thu nhập 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

CCB Nguyễn Minh Quý là một trong rất nhiều điển hình trong phong trào CCB làm kinh tế giỏi của huyện Nghĩa Hưng. Những năm qua, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi của huyện Nghĩa Hưng có bước phát triển sâu rộng, trong đó nhiều mô hình hay, cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Để phong trào đi vào chiều sâu, các cấp Hội CCB huyện đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên cán bộ, hội viên nêu cao tinh thần “tự lực, tự cường” vượt khó vươn lên, tìm ra hướng đi thích hợp, khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của quê hương. Cán bộ, hội viên đã tích cực tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức về các lĩnh vực như: khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, chăm sóc, bảo vệ vật nuôi, cây trồng cho năng suất cao. Hội CCB các cấp thường xuyên tổ chức thảo luận và tham quan các mô hình kinh tế có hiệu quả cao để các hội viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, động viên hội viên đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh… Ngoài ra, để có thêm nguồn vốn giúp hội viên đầu tư phát triển kinh tế, Hội CCB huyện đã phối hợp cùng với các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác ủy thác vay vốn Ngân hàng CSXH và huy động từ các kênh cho hội viên vay. Đến nay tổng nguồn vốn huy động từ các kênh là gần 60 tỷ đồng, trong 5 năm qua đã giải quyết cho trên 5.800 hộ hội viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng chí Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Nghĩa Hưng, cho biết: Bên cạnh nguồn vốn huy động từ các kênh, các cấp Hội CCB còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau bằng việc huy động vốn nội lực, các hội viên tự nguyện đóng góp, xây dựng quỹ hội, luân chuyển giúp cho những hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay để đầu tư phát triển kinh tế, với tổng số vốn gần 3 tỷ đồng. Nhiều cán bộ, hội viên đã phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thành lập được những cơ sở sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương. Hiện nay, toàn huyện có 5 Cty, 9 doanh nghiệp, 85 trang trại, 138 gia trại do CCB làm chủ; thu hút và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động là CCB và con em CCB, cựu quân nhân. Qua kết quả bình xét có 158 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, 72 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, 5 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và 2 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Nhờ sự năng động, nhạy bén với cơ chế mới, tìm hướng đi thích hợp phát triển kinh tế gia đình và nhờ các nguồn vốn vay đầu tư kịp thời có hiệu quả vào sản xuất kinh doanh nên đời sống gia đình các hội viên CCB ở huyện Nghĩa Hưng ngày càng được nâng cao. Đến nay tỷ lệ hộ CCB khá giàu trong toàn huyện chiếm 63%, tỷ lệ hộ CCB nghèo giảm xuống còn 1,25%.

Với những kết quả trong lao động sản xuất, đã khẳng định các thế hệ CCB huyện Nghĩa Hưng không chỉ anh dũng trong chiến đấu mà còn luôn đi tiên phong trên mặt trận giảm nghèo, góp phần làm rạng rỡ thêm phẩm chất, truyền thống "Bộ đội cụ Hồ” trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới./.

Bài và ảnh: Thu Thuỷ
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com