Nhằm tăng cường sự phối hợp giữa địa phương, đơn vị với cơ quan chức năng trong việc giáo dục những người vi phạm về an toàn giao thông (ATGT), ngày 12-10-2010 Bộ Công an đã có Thông tư số 38/TT-BCA quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật trật tự ATGT về cơ sở. Theo quy định tại thông tư này, người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đều phải được thông báo bằng văn bản đến công an xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú, công tác, học tập để theo dõi, kiểm điểm, giáo dục hoặc được gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục chung và thông báo vi phạm phải được gửi ngay sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện Thông tư 38 trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Cán bộ cảnh sát giao thông huyện Vụ Bản thực hiện nghiêm việc kê khai danh tính người vi phạm trật tự ATGT. |
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh), trong 10 tháng đầu năm 2012 toàn tỉnh có 69.392 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT nhưng chỉ thông báo 3.258 trường hợp về nơi học tập, công tác, cư trú; trong đó Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt thông báo 532 trường hợp, công an các huyện, thành phố thông báo 2.726 trường hợp. Tuy nhiên khi gửi thông báo đến công an xã, phường, thị trấn nơi người vi phạm cư trú, công tác, học tập… thì số trường hợp gửi thông tin phản hồi còn thấp (trong 10 tháng, toàn tỉnh chỉ có 60 trường hợp gửi phản hồi). Thực tế, việc thực hiện thông tư đang gặp nhiều vướng mắc do nhiều nguyên nhân. Về phía các cơ quan chuyên trách chưa chủ động thực hiện quy định thông báo công tác xử phạt. Còn về phía công an các xã, phường, thị trấn khi nhận được thông báo chưa nghiêm túc thực hiện việc phản hồi. Tại huyện Nam Trực, sau khi nhận được thông báo vi phạm, các xã, thị trấn đều phát trên hệ thống loa phát thanh của địa phương nhưng chưa chú trọng kiểm điểm người vi phạm và chưa tổ chức để người vi phạm ký cam kết sửa đổi. Bên cạnh đó, tại một số địa phương chính quyền cấp xã thực hiện còn mang tính hình thức, kiểm điểm lấy lệ... nên hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục không cao. Một nguyên nhân nữa là người vi phạm pháp luật trật tự ATGT cố tình khai sai địa chỉ cư trú nên ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ tại cơ sở. Nhiều trường hợp người vi phạm đăng ký hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng đi làm ăn, sinh sống ở nơi khác trong khi giấy phép lái xe, đăng ký xe vẫn ghi theo địa chỉ cũ nên khi cơ quan chức năng gửi thông báo vi phạm không đến đúng địa chỉ người vi phạm cư trú. Cán bộ thực hiện việc tiếp nhận thông báo ở một số xã, phường, thị trấn còn lúng túng trong việc triển khai ở cơ sở, do vậy việc gửi phiếu báo phản hồi cho cơ quan ra thông báo còn hạn chế; thông báo vi phạm của công an cấp tỉnh, huyện được gửi tới công an xã, phường, thị trấn theo đường công văn của ngành, nhưng không có đường công văn của ngành gửi ngược lại, phải gửi theo đường bưu điện nên khó khăn cho việc gửi phiếu phản hồi cho cơ quan ra thông báo.
Từ những bất cập trên, để việc triển khai Thông tư 38 có hiệu quả, lực lượng công an các cấp, đặc biệt là cấp xã phải thực sự vào cuộc, kịp thời chuyển các thông báo vi phạm về cơ sở và có sự giám sát thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền giáo dục, kiểm điểm các đối tượng vi phạm. Lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT nêu cao tinh thần trách nhiệm và nghiệp vụ xác định chính xác địa chỉ của người vi phạm để việc gửi thông báo đạt hiệu quả. Ngoài ra, hằng năm ngành Công an cần tổ chức sơ kết việc thực hiện Thông tư 38 tại cơ sở để kịp thời kiểm điểm, biểu dương các đơn vị từ đó rút kinh nghiệm để việc triển khai thông tư có hiệu quả./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý