Ngồi trong ngôi nhà 2 tầng mới khang trang trên đường Trường Chinh (TP Nam Định), chị Trần Thị Hằng không khỏi xúc động. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1973, chị lên đường nhập ngũ, biên chế vào Sư đoàn 473, Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn. Bốn năm phục vụ chiến trường, chị cùng đồng đội kiên trì bám trụ từng thước đường để chi viện cho chiến trường miền Nam. Trở về địa phương, với hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng đau ốm liên miên, vợ chồng chị thay nhau đi làm thuê khắp nơi duy trì cuộc sống và nuôi 3 con ăn học đại học. Thế nên mấy chục năm qua gia đình chị vẫn phải sống trong căn nhà chật chội và đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước khó khăn của gia đình chị Hằng, Ban liên lạc nữ bộ đội Trường Sơn tỉnh đã khởi xướng, vận động Cty CP Sông Đà giúp đỡ gia đình chị xây mới ngôi nhà. Ngôi nhà 2 tầng hiện tại của gia đình chị Hằng chỉ là 1 trong 16 nhà đại đoàn kết của Ban liên lạc nữ bộ đội Trường Sơn tỉnh vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp xây dựng cho những nữ bộ đội Trường Sơn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trong 3 năm qua, Ban liên lạc nữ bộ đội Trường Sơn tỉnh còn vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ 30 triệu đồng mua 7 xe lăn tặng CCB và con em CCB bị tật nguyền do di chứng chiến tranh và 50 suất quà tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sỹ khó khăn trong tỉnh. Từ các nguồn tài trợ, Ban liên lạc tổ chức thăm, tặng áo ấm, chăn màn và hàng trăm suất quà cho hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Chị Trần Thị Hằng (ngoài cùng bên trái) đón niềm vui trong ngôi nhà mới cùng những đồng đội của mình. Ảnh: Do nhân vật cung cấp |
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh ta có hàng nghìn nữ thanh niên lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trở về quê hương, nhiều chị không có cơ hội làm vợ, làm mẹ, phải sống trong bệnh tật, bị ám ảnh bởi chiến tranh hoặc mất một phần lớn sức khỏe, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Năm 2009, Ban liên lạc nữ bộ đội Trường Sơn tỉnh được thành lập, quy tụ 600 chị tham gia. Sau bốn năm hoạt động, Ban liên lạc đã xây dựng được tổ chức cơ sở ở 10 huyện, thành phố. Một trong những hoạt động nổi bật của Ban liên lạc là chia sẻ những vất vả, khó khăn của những nữ cựu binh bằng việc vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Chị Trần Thị Thanh, Trưởng ban liên lạc tâm sự: Nghĩa tình đồng đội đã gắn kết chúng tôi đến với nhau. Trong cuộc sống đời thường, nhiều chị vẫn còn rất vất vả nên phải tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ nhau… Sự động viên, sẻ chia kịp thời của chị em trong Ban liên lạc đã giúp nhiều hội viên có thêm nghị lực, nỗ lực vươn lên. Được sự giúp đỡ của ông Trần Mạnh Lưu, một cựu chiến sỹ Trường Sơn, năm 2004, chị Trần Thị Thanh đã đầu tư xây dựng một khu trại trồng nấm ăn, nấm dược liệu ngay trên khu đất nhà mình tại thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản). Cơ sở sản xuất nấm ra đời đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 40 nữ cựu binh Trường Sơn. Cùng với những hoạt động nghĩa tình, những năm qua Ban liên lạc nữ bộ đội Trường Sơn tỉnh còn thường xuyên tổ chức những cuộc hành trình về nguồn, thăm lại chiến trường xưa. Năm 2011, trong chuyến đi thăm Điện Biên, Ban liên lạc đã tặng 100 suất quà và 10 suất học bổng cho học sinh nghèo của tỉnh Điện Biên. Cũng trong năm 2011, Đoàn nữ bộ đội Trường Sơn của tỉnh đi thăm lại chiến trường xưa ở Khe Sanh (Quảng Trị), đã tặng 500 suất quà trị giá mỗi suất 500.000 đồng cho bà con nghèo địa phương. Trước đó, trong đợt lũ lụt lịch sử năm 2010 tại miền Trung, Ban liên lạc đã kêu gọi các nữ cựu binh bộ đội Trường Sơn trong tỉnh cùng các nhà hảo tâm ủng hộ 500 suất quà gồm quần áo, gạo, mì tôm, trị giá 300 triệu đồng, đồng thời, tổ chức một đoàn xe vào huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt.
Phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, thời gian tới Ban liên lạc nữ bộ đội Trường Sơn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động vận động tài trợ, liên hệ với các địa phương rà soát, lập danh sách những trường hợp đặc biệt khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời. Trong đó, quan tâm xoá nhà tạm, nhà dột nát; hỗ trợ vốn cho hội viên phát triển kinh tế; đào tạo nghề giải quyết việc làm, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống cho hội viên./.
Hoa Xuân