Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) triển khai ở tỉnh ta tuy chưa lâu, song bộ mặt nông thôn ở nơi nào cũng đang khởi sắc và đổi thay từng ngày. Với 96 xã, thị trấn trong tổng số 209 xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp tiến hành xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 (chiếm gần 46%) đã đưa tỉnh ta là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia có ý nghĩa quan trọng này.
Trên con đường ra đồng của xã Hải Lộc (Hải Hậu) rộng trên 5m, dài hơn một km phẳng lỳ bởi được bê tông hóa dày và các đường nhánh cũng đã trải thảm bê tông tuy mặt có nhỏ hơn nhưng thẳng như kẻ chỉ rất thuận tiện cho cơ giới hóa nông nghiệp. Hai bên, thảm lúa đang phơi hoa ngát thơm và những chiếc bẫy đèn hiện đại tự động bật tắt kiểm tra số lượng bướm, rầy, dịch hại từng ngày. Con đường được triển khai từ sau thu hoạch xong lúa mùa năm 2009, khi Hải Lộc được chọn là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh. Ngoài 2 vụ lúa với phương thức canh tác gieo sạ hàng năng suất và hiệu quả cao, xã có trên 100ha vụ đông trồng cải dầu, bí xanh… cho thu nhập cao hơn cả 2 vụ lúa cộng lại trong năm. Kỹ thuật canh tác mới được áp dụng, việc làm tăng hơn, người nông dân biết hạch toán và làm giàu ngay trên chính mảnh ruộng cũ. Dân giàu lên, đóng góp nhiều hơn để xây dựng NTM cả vật chất, trí tuệ và tinh thần. Đến nay Hải Lộc đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng NTM của Chính phủ, tăng 7 tiêu chí so với trước khi tiến hành xây dựng đề án NTM cuối năm 2009.
Cũng như Hải Lộc, Hải Đường (Hải Hậu) cũng xây dựng NTM từ đồng về làng, từ nhà ra xóm ngõ và lên xã. Trong 3 năm, Hải Đường cùng với chỉnh trang đồng ruộng đã đưa 23 giống lúa mới vào cấy khảo nghiệm, trình diễn để tìm ra giống lúa cho chất lượng, năng suất cao, chống chịu tốt. Năng suất lúa cả năm đã đạt 127 tạ/ha, tăng 13,29%; 60,9ha mặt nước đưa vào nuôi thả thủy sản đạt 150 tấn (năm 2011), tăng 77,51% so với năm chưa xây dựng NTM; 3.000 cây ăn quả chất lượng cao đã góp phần cải tạo vườn tạp… Đặc biệt từ một xã thuần nông, Hải Đường đã xây dựng nhà máy may công nghiệp thu hút 400 lao động vào làm việc với mức lương 2-3,5 triệu đồng/người/tháng; tiếp tục duy trì, phát triển các nghề mộc, chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí, vê đay… tạo việc làm ổn định cho 1.820 người… Cơ cấu lao động nông nghiệp từ 80% nay chỉ còn gần 50%, giảm trên 30% chuyển sang lao động công nghiệp, làm nghề.
Ngày hội văn hóa - thể thao huyện Hải Hậu năm 2012. Ảnh: Việt Thắng |
Xã NTM Giao Tiến (Giao Thủy) nổi tiếng thâm canh lúa, năng suất lúa cả năm đã đạt gần 130 tạ/ha. Tuy mới xây dựng đề án xây dựng NTM nhưng xã đã chọn DĐĐT là khâu đột phá và hoàn thành ngay trong năm 2011. Cùng với DĐĐT, chỉnh trang lại đồng ruộng, ngay vụ xuân 2012 đã tổ chức xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích 50ha, cấy 1 giống RVT chất lượng cao, năng suất đạt gần 75 tạ/ha, tăng 10% so với năng suất đại trà. Đặc biệt do cấy giống lúa mới thơm, ngon, giá thị trường gần tương đương với giá lúa BT7 nên hiệu quả kinh tế tăng trên 20% so với đại trà. Vụ mùa 2012, không chỉ 50ha cánh đồng mẫu lớn mà cả trăm mẫu khác cũng cấy giống RVT. Theo anh Trần Văn Tường, chủ nhiệm HTX Hùng Tiến thì, năng suất vụ mùa cấy RVT không dưới 60 tạ/ha. Ngoài ra, 5ha cấy giống lúa DS1 vụ xuân đạt trên 80 tạ/ha, giá thị trường đang cao hơn 1 nghìn đồng/kg so với BT7 cũng được mở rộng trong vụ mùa này. Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa… Giao Tiến đã đạt trên 10 tiêu chí NTM.
Về Yên Hồng (Ý Yên) vui với nguồn nước máy sạch kéo về đến tận hộ gia đình; đã vĩnh viễn không còn cảnh dùng nước ao, nước giếng trong sinh hoạt. Chỉ riêng nhân dân đóng góp cải tạo hệ thống thoát nước trong khu dân cư và nâng cấp đường xóm, ngõ đã trên 235 triệu đồng. Sau DĐĐT nhân dân đã góp trên 12 nghìn m2 đất và cải tạo giao thông nội đồng với tổng chiều dài 2,1km phục vụ cho cơ giới hóa nông nghiệp. Xã thuần nông nhưng đã mở 2 lớp đào tạo may công nghiệp và chạm khắc gỗ cho hàng trăm lao động. Hiện trên địa bàn xã đã có 4 xưởng may với trên 130 lao động; nghề chạm khắc gỗ, nghề tre nứa ghép đang mở rộng, từng bước cơ cấu lại lao động trong nông thôn. Đến tháng 6-2012, Yên Hồng đã phấn đấu đạt 12/19 tiêu chí NTM, tăng 4 tiêu chí so với trước khi xây dựng NTM, đó là: quy hoạch, chợ nông thôn, giáo dục, y tế.
Còn rất nhiều xã xây dựng NTM với cách làm hay như Yên Phong (Ý Yên), Hiển Khánh (Vụ Bản), Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), Xuân Kiên (Xuân Trường), Trực Nội (Trực Ninh), Tân Thịnh (Nam Trực)… đang được sơ kết, rút kinh nghiệm tìm ra bài học kinh nghiệm để nhân nhanh những điển hình, những cách làm hay cho 96 xã, thị trấn đang xây dựng NTM và cả 209 xã, thị trấn học tập để nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM tại địa phương mình và phấn đấu đến năm 2020 tỉnh ta là tỉnh NTM.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Hồng Sâm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN và PTNT) cho biết: "Tuy còn có nhiều khó khăn, song chương trình xây dựng NTM đang được nhân dân hưởng ứng và là cuộc vận động lớn, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Không chỉ có 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 nỗ lực phấn đấu mà cả 209 xã, thị trấn của toàn tỉnh đều nhập cuộc và các tiêu chí NTM liên tục tăng với các địa phương…". Đến hết tháng 7-2012, tất cả 209 xã, thị trấn trên toàn tỉnh có sản xuất nông nghiệp chỉ còn 4 xã, thị trấn đạt dưới 5 tiêu chí; 139 xã, thị trấn đạt 5-9 tiêu chí. Với 85 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 (không kể 11 xã điểm của tỉnh và Trung ương) đã có 8 xã, thị trấn đạt 13-14 tiêu chí; 38 xã, thị trấn đạt 10-12 tiêu chí; 39 xã, thị trấn đạt 5-9 tiêu chí; không còn xã, thị trấn nào đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân mỗi xã và thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 tăng 4-5 tiêu chí. Đặc biệt 11 xã điểm của tỉnh và của Trung ương đến nay bình quân mỗi xã tăng 6 tiêu chí so với năm 2009. Thấp nhất là xã Lộc An (TP Nam Định) tăng 2 tiêu chí; 3 xã tăng 5 tiêu chí là Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Hiển Khánh (Vụ Bản), Xuân Kiên (Xuân Trường). Các xã tăng nhiều tiêu chí so với trước năm 2009 là: Trực Nội (Trực Ninh) tăng 8 tiêu chí, Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) tăng 8 tiêu chí, Hải Đường (Hải Hậu) tăng 8 tiêu chí, Giao Hà (Giao Thủy) tăng 8 tiêu chí, 2 xã tăng 7 tiêu chí là Hải Lộc (Hải Hậu) và Nam Hồng (Nam Trực).
Đến nay toàn tỉnh đã tổ chức 470 lớp đào tạo nghề cho 14.056 lao động nông thôn, trong đó 190 lớp dạy nghề cho 6.512 lao động của các xã, thị trấn xây dựng NTM và trên 85% lao động sau học nghề có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 1,5-1,8 triệu đồng/người/tháng. 96 xã, thị trấn xây dựng NTM đều xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia với chất lượng cao, bền vững. Tổng số vốn huy động đầu tư cho xây dựng NTM là 1.896,6 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước 760,2 tỷ đồng (chiếm 40,1%), vốn nhân dân đóng góp 342,2 tỷ đồng (chiếm 18%), vốn doanh nghiệp 545,2 tỷ đồng (chiếm 28,7%), vốn tín dụng 148,7 tỷ đồng (chiếm 7,8%), các vốn khác 100,2 tỷ đồng (chiếm 5,3%). Ngoài ra, nhân dân đã hiến đất, góp đất 877,95ha để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đồng ruộng. Tổng giá trị thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng ở 96 xã NTM đến nay đạt trên 2.800 tỷ đồng để xây dựng 1.183,3km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; kiên cố hóa 399 đoạn kênh mương với chiều dài 337,1km, xây mới và nâng cấp 4.884 cống đập các loại; xây mới và cải tạo 211 trạm hạ áp, 851km đường dây hạ thế, 21 nhà văn hóa xã, 10 khu thể thao xã, 373 nhà văn hóa thôn, 47 chợ, 21 trụ sở xã; xây mới 1.777 phòng học từ mầm non đến THCS, 14 trạm y tế, 19 công trình cấp nước tập trung, 53 bãi xử lý rác thải… Riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, 96 xã, thị trấn xây dựng NTM đã huy động được 368,4 tỷ đồng, tổ chức triển khai 256 công trình hạ tầng nông thôn gồm 65 công trình mới và 191 công trình chuyển tiếp. Tổng giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 320 tỷ đồng; trong đó 123 công trình giao thông, 13 công trình kiên cố hóa kênh mương, 13 trường học, 8 trạm y tế, 13 nhà văn hóa thôn xóm, 8 trụ sở xã, 9 chợ, 9 công trình cấp nước tập trung, 28 điểm thu gom rác thải…
Trong hơn 3 năm triển khai làm điểm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở tỉnh ta đã "thay da đổi thịt", nhất là 96 xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Với nhiều cách làm hay, cách làm sáng tạo của các địa phương đang được sơ kết, tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm, nhất là cách vận động nhân dân đồng thuận, tích cực và tự giác, với hướng đi đúng làm từ ngoài đồng về làng, làm từ nhà ra xóm, lên xã; mọi nhà hoàn thành đủ 3 công trình vệ sinh, cải tạo ao, vườn, sân, ngõ, xây dựng nếp sống văn hóa, tăng cường tình làng nghĩa xóm, đảm bảo an ninh nông thôn… để 19 tiêu chí NTM thành hiện thực tại các địa phương và tỉnh ta trở thành tỉnh NTM vào năm 2020./.
Tuấn Anh