Khó khăn khi thực hiện tiêu chí về y tế trong xây dựng nông thôn mới

07:11, 01/11/2012

Trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), ngành Y tế thực hiện tiêu chí số 15 với nội dung là có 40% người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế (BHYT) và xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai và thực hiện tiêu chí về y tế trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Quyết định số 370/QĐ-BYT về chuẩn quốc gia về y tế xã, cùng với sự quan tâm đầu tư về nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Y tế đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về triển khai, thực hiện chương trình chuẩn quốc gia về y tế xã. Hiện, toàn tỉnh có 204/229 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010, đạt gần 90%. Trong đó, có 3 huyện 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế là: Nghĩa Hưng, Nam Trực, Vụ Bản. Hiện nay, đội ngũ y tế cấp xã ở tỉnh ta có hơn 1.420 cán bộ, trong đó, trên 170 trạm y tế có bác sỹ. Các trang thiết bị từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bình quân mỗi trạm y tế đạt chuẩn quốc gia được đầu tư nâng cấp từ 200-500 triệu đồng và xây mới là từ 700 triệu - 2 tỷ đồng. Các trạm y tế đạt chuẩn cơ bản bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trong đó, các trạm y tế hoàn thành tốt các chỉ tiêu khám bệnh và khám dự phòng tại trạm; tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đạt 30%; tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đầy đủ đạt trên 98%. Chương trình phòng chống lao bao phủ 100% dân số, số bệnh nhân lao được điều trị đa hoá trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp, tỷ lệ điều trị khỏi đạt 94%. Tiêu biểu là huyện Nghĩa Hưng, đội ngũ cán bộ y tế huyện có gần 200 người; trong đó, số cán bộ công tác tại tuyến xã, thị trấn là 153 người; cả 25 trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ; 342 nhân viên y tế hoạt động tại các thôn, xóm. Các trạm y tế đạt chuẩn cơ bản bảo đảm công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân và từng bước đáp ứng yêu cầu công tác khám BHYT. Trong đó, hoàn thành tốt các chỉ tiêu khám bệnh và khám dự phòng tại trạm; tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đạt 30%. Chương trình phòng chống lao bao phủ 100% dân số, bệnh nhân lao được điều trị đa hoá trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp, tỷ lệ điều trị khỏi đạt 94%. Công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe được các trạm y tế triển khai thường xuyên; công tác vệ sinh môi trường, nước sạch được quan tâm chỉ đạo, các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường. Năm 2011, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đủ 7 loại vắc-xin là 3.428 cháu; duy trì kết quả thanh toán bệnh phong, bệnh bại liệt theo tiêu chuẩn Việt Nam; 98% số hộ dân sử dụng muối iốt. Các chỉ tiêu kế hoạch về CSSKSS đều đạt và vượt.

Nhân rộng mô hình vườn cây thuốc nam tại Trạm Y tế xã Bạch Long (Giao Thủy) phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương.
Nhân rộng mô hình vườn cây thuốc nam tại Trạm Y tế xã Bạch Long (Giao Thủy) phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, khi thực hiện Bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2 (2011-2020) theo Quyết định số 3447/QĐ-BYT ngày 22-9-2011 của Bộ Y tế, việc triển khai xây dựng trạm y tế đạt chuẩn ở tỉnh ta gặp nhiều khó khăn. Trước hết, việc xây dựng chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2 (2011-2020) của Bộ Y tế mới ban hành có nhiều tiêu chí đòi hỏi cao hơn so với thực tế các địa phương trong tỉnh. Nhất là tiêu chí về cơ sở hạ tầng, mỗi trạm y tế đạt chuẩn phải có ít nhất 10 phòng chức năng (phòng khám bệnh; y dược cổ truyền; quầy dược, kho; phòng xét nghiệm (cận lâm sàng); tiệt trùng; phòng sơ cứu, cấp cứu; lưu bệnh nhân, sản phụ; phòng khám phụ khoa, KHHGĐ; phòng đẻ; phòng tiêm; phòng tư vấn, TT-GDSK, DS-KHHGĐ; phòng hành chính; phòng trực). Về trang thiết bị, các trạm phải có ít nhất 50% trang thiết bị theo danh mục đã ban hành gồm 176 loại, trong đó, 2 trong 3 loại thiết bị là: máy siêu âm, máy điện tim và máy đo đường huyết (buộc phải có) tuy nhiên, hầu như các trạm y tế ở tỉnh ta chưa có máy siêu âm và cũng chưa có kỹ thuật viên siêu âm. Về trang thiết bị, thuốc, các trạm y tế xã phải đảm bảo có trên 70% loại trang thiết bị sử dụng được theo danh mục trang thiết bị của trạm y tế xã theo quy định hiện hành. Đối chiếu với Bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2, toàn tỉnh hiện có hơn 50 trạm y tế chưa đảm bảo về kỹ thuật hạ tầng; trên 70 trạm y tế chưa đảm bảo khối nhà chính và tổng thể công trình; 40% trạm y tế trong tình trạng bị xuống cấp. Bên cạnh đó, công năng sử dụng của trạm y tế còn hạn chế do thiếu nhân lực, chưa đủ chủng loại cán bộ, nhất là tình trạng thiếu bác sỹ, lương y, dược trung cấp. Hiện nay, nhiều trạm y tế chưa có bác sỹ, chưa có nhân viên y tế thôn, xóm. Phần lớn các trạm y tế thiếu các trang thiết bị phục vụ khám, điều trị bằng y học cổ truyền, thiếu cán bộ chuyên trách nên chưa tận dụng được nguồn thuốc và tiềm năng về y học cổ truyền trong điều trị bệnh. Bên cạnh đó, hầu hết các xã đạt chuẩn chưa đủ số phòng chức năng theo quy định. Cùng với cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực tại các trạm y tế, ý thức giữ gìn VSMT của người dân còn hạn chế; tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch, xử lý rác thải đúng quy định và xử lý phân gia súc hợp vệ sinh còn đạt thấp. Việc phát triển BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều khó khăn, tỷ lệ dân số có thẻ BHYT tăng chậm. Năm 2011, toàn tỉnh mới có gần 800 nghìn đối tượng tham gia BHYT, đạt 43,5% dân số, thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước 63,7%. Trong đó, nhiều đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đạt thấp như: học sinh, sinh viên, đạt 28,9% (bình quân chung cả nước là 71,2%); người thuộc hộ gia đình cận nghèo đạt 1,3% (bình quân chung cả nước là 25%); số người tham gia BHYT tự nguyện đạt trên 3% (bình quân chung cả nước là 10%). Thực tế hiện nay, một bộ phận người dân tham gia BHYT tự nguyện chưa ý thức được tính cộng đồng chia sẻ, nên chỉ những người bệnh nặng, bệnh mãn tính, có nguy cơ mắc bệnh cao tham gia.

Để thực hiện tốt tiêu chí số 15 về y tế trong xây dựng NTM cần phải xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện một cách khoa học và có những giải pháp đồng bộ, phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Trong đó, các xã, phường, thị trấn phải đánh giá được thực trạng hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân để xác định được bước đi và kế hoạch thực hiện thích hợp. Trọng tâm là phải xác định được mối liên quan giữa phát triển sự nghiệp y tế với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phong tục tập quán, dân trí, sự quan tâm đầu tư của chính quyền để đưa ra kế hoạch, biện pháp thực hiện cho từng chuẩn. Xác định thực hiện toàn diện các chuẩn là một yêu cầu của việc thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã, song việc thực hiện ưu tiên đối với từng chuẩn trong khoảng thời gian nhất định và căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh thực tế của mỗi xã là rất cần thiết. Kết quả này cũng là tiền đề quan trọng để các địa phương hoàn thành được tiêu chí xây dựng NTM về y tế. Đối với các địa phương đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, cần duy trì tốt, đồng thời nâng cao tỷ lệ người dân tham gia các hình thức BHYT đạt từ 40% trở lên; thực hiện tốt tiêu chí “chuẩn 2”. Theo đó, các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế phấn đấu đạt 90% hộ sử dụng nước sạch và hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ xử lý phân gia súc hợp vệ sinh đạt từ 70% trở lên; không có hoạt động gây suy giảm môi trường, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường. Đối với các địa phương chưa xây dựng được chuẩn quốc gia về y tế xã, cần lồng ghép thực hiện Bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2 (2011-2020) theo Quyết định số 3447/QĐ-BYT ngày 22-9-2011 của Bộ Y tế với các tiêu chí xây dựng NTM về y tế. Trong đó, việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn xã, thôn theo quy hoạch cần được xúc tiến, triển khai đồng bộ, bao gồm: xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong thôn, xóm; xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải ở các xã; chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã, làm tốt công tác xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế trên địa bàn; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế được công nhận đạt chuẩn, góp phần hoàn thành tiêu chí về y tế trong xây dựng NTM ở địa phương./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com