Nghĩa Hưng là huyện ven biển với gần 20 vạn dân, trong đó có 49% đồng bào theo đạo Thiên chúa; hàng nghìn tín đồ, phật tử đạo Phật. Bên cạnh thuận lợi là đa số phụ nữ tôn giáo có tâm sáng, hướng thiện, đoàn kết, sống “tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện tốt những quy định của địa phương cũng như của giáo hội thì một bộ phận chị em nhận thức còn hạn chế, bị ràng buộc bởi giáo lý tôn giáo, ngại tham gia các hoạt động xã hội. Mặt khác, nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động còn thiếu việc làm, thường xuyên đi làm ăn xa nên đã ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động của Hội Phụ nữ ở địa phương.
Để tập hợp, thu hút đông đảo phụ nữ các tôn giáo tham gia sinh hoạt Hội, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã, thị trấn không ngừng đổi mới, đa dạng hoá các phương thức hoạt động, xây dựng nhiều mô hình mới, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả, chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho chị em, như nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt Hội, sinh hoạt CLB, tạo việc làm, cho phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, chăm lo giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Đầu nhiệm kỳ 2006-2011, Hội LHPN huyện đã chọn Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lạc, đơn vị có tỷ lệ phụ nữ theo đạo Thiên chúa chiếm gần 100% để chỉ đạo làm điểm trong công tác tập hợp thu hút phụ nữ Công giáo tham gia sinh hoạt Hội, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Trong quá trình chỉ đạo điểm, Hội LHPN huyện luôn coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội, chất lượng các buổi sinh hoạt tại chi hội, sinh hoạt CLB, xây dựng lực lượng hội viên nòng cốt từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo các xã, thị trấn, nhất là những đơn vị có đông phụ nữ có đạo. Các cấp Hội luôn đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Hội, chú trọng xây dựng các mô hình mới tập hợp hội viên. Đến nay, toàn huyện đã thành lập trên 300 CLB với nhiều mô hình khác nhau như CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, CLB “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển”, CLB “Bà mẹ có con tuổi vị thành niên”… Thông qua các buổi sinh hoạt CLB, đã tăng cường tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, giúp chị em nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vừa tham gia sinh hoạt tôn giáo, vừa tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện tốt các quy định của địa phương. Các cơ sở Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ có đạo tham gia các lễ hội tôn giáo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Năm 2010, Hội LHPN huyện đã triển khai xây dựng 2 mô hình CLB mới là “CLB phụ nữ chức việc” ở xã Nghĩa Lạc thu hút 83 thành viên là những bà quản, trưởng các hội đoàn, giáo hội thuộc giáo xứ Lạc Đạo và “CLB ni giới” thu hút trên 55 ni sư làm nòng cốt để thu hút các tín đồ, phật tử, phụ nữ cao tuổi vào Hội. Kết quả năm 2008, toàn huyện có 12.699 phụ nữ Công giáo tham gia vào Hội, đến tháng 6-2012, tăng lên 15.302 hội viên phụ nữ là người Công giáo.
Để tiếp tục thu hút ngày càng đông phụ nữ tôn giáo tham gia vào tổ chức Hội, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã có nhiều hoạt động quan tâm, chăm lo đến đời sống của phụ nữ, trẻ em các tôn giáo. Năm 2012, bằng hành động thiết thực, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện đã thực hành tiết kiệm, ủng hộ trên 300 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 21 nhà cho phụ nữ nghèo ở 16 xã, thị trấn; trong đó có 5 phụ nữ Công giáo nghèo được hỗ trợ nhà ở, tặng 148 suất quà cho phụ nữ nghèo trị giá từ 300 nghìn đến 1 triệu đồng/suất, trong đó có 64 phụ nữ Công giáo, 72 học sinh Công giáo được Hội Phụ nữ trao tặng học bổng. Bên cạnh đó, các cấp Hội thường xuyên phối hợp với Ngân hàng CSXH và các ngành khai thác các nguồn vốn, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp. Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đang quản lý trên 123 tỷ đồng giúp cho 8.168 hộ vay phát triển kinh tế, trong đó có 1.818 hộ nghèo. Cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn, Hội Phụ nữ huyện còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức dạy nghề cho hội viên phụ nữ để chị em có việc làm ổn định tại địa phương. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức 25 lớp dạy nghề cho 1.947 hội viên phụ nữ trong đó có 569 hội viên công giáo. Sau khi học nghề, 90% phụ nữ có việc làm, với mức thu nhập ổn định từ 1-2,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhằm góp phần đưa công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ có đạo vào nề nếp, Hội LHPN huyện và các xã, thị trấn luôn quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ vùng giáo, từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ Hội chủ chốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đến nay, có 5 chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở gốc giáo có trình độ trung cấp chuyên môn, 7 đồng chí có trình độ trung cấp chính trị, 100% cán bộ gốc giáo đạt chuẩn cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn. Những việc làm thiết thực hiệu quả của Hội Phụ nữ đã góp phần gắn kết phụ nữ các tôn giáo với tổ chức Hội, góp phần nâng tỷ lệ tập hợp hội viên của huyện lên 82,5%, tăng 15,8% so với năm 2008. Hội viên phụ nữ các tôn giáo của huyện đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội cũng như hoạt động Hội Phụ nữ, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, xây dựng khu dân cư văn hoá, “Chùa tinh tiến”, “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”./.
Hoài Phương