Trong quá trình phát triển của nhân loại, gia đình bao giờ cũng được coi là một trong những giá trị cao nhất. Nó mang lại sự êm ấm, hạnh phúc cho mỗi cá nhân và sự bình ổn cho xã hội. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại vai trò của giáo dục gia đình lại đang bị lãng quên bởi rất nhiều nguyên nhân. Do mải mê làm ăn, nhiều bậc cha mẹ không còn thời gian quan tâm đến con cái, phó mặc việc dạy dỗ cho người giúp việc, cho thầy, cô giáo. Nhà trường hay ngành Giáo dục cũng chưa coi trọng và phối hợp hiệu quả với giáo dục gia đình.
Trả giá vì sự buông lỏng
Ngay từ xưa và cho đến tận bây giờ, người ta đã gọi gia đình là một tổ ấm, là thiết chế xã hội đặc thù bởi tập hợp rất nhiều các chức năng. Gia đình chính là nơi sản sinh ra con người, góp phần hình thành các chuẩn mực của hành vi cá nhân theo luật pháp và nền văn hóa được truyền thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong nhiều chức năng của gia đình có hai chức năng rất quan trọng là giáo dục và xã hội hóa.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là không phải bậc cha mẹ nào cũng hiểu về tầm quan trọng của gia đình và bản thân mình đối với con cái trong việc hình thành nhân cách của chúng sau này. "Gieo nhân nào gặt quả ấy", câu thành ngữ của dân gian đã chính xác trong nhiều trường hợp. Nhiều bậc cha mẹ đã sống "hồn nhiên", không quan tâm đến việc giáo dục con cái, để mặc chúng phát triển bởi họ quan niệm rằng "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính".
Hiện nay, bên cạnh nhiều gia đình đã làm tốt việc giáo dục con em, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng cao thì có không ít gia đình đang phải trả giá cho việc lơi lỏng nhiệm vụ này. Chính vì các kẽ hở trong giáo dục gia đình như vậy nên họ đã gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Nhất là xã hội hiện nay đang rất lo lắng vì tình trạng phạm tội của thanh thiếu niên, những hoạt động băng nhóm, những vụ lừa đảo trên in-tơ-nét, ngoài đời, những kẻ suốt ngày vùi đầu vào các trò chơi game bạo lực, khiêu dâm, đánh bạc, cá độ đến mê muội để rồi dùng vũ khí, sẵn sàng ẩu đả, cướp bóc, giết người...
Con cái được học tập, chăm sóc chu đáo là ước mơ của nhiều gia đình. Ảnh: Internet |
Nhiều người bày tỏ sự lo lắng, phàn nàn về sự xuống cấp đạo đức trong gia đình và xã hội. Họ lo lắng có căn cứ vì các mối quan hệ gia đình đang trở nên lỏng lẻo. Nhiều nơi, nhiều lúc, đồng tiền đã thay thế cho nhiều giá trị đạo đức. Cha mẹ xung đột với con cái vì lý do kinh tế, vợ chồng đánh, chửi nhau, ly thân, ly dị vì rất nhiều lý do; anh chị em quay lưng lại với nhau vì tranh chấp quyền lợi, con cái bất hiếu với cha mẹ, nàng dâu hỗn hào với mẹ chồng... Thật là đau xót khi các vụ án hiếp dâm trẻ em do người trong gia đình, thậm chí là bố đẻ, ông nội, ông ngoại, chú bác, anh trai ngày càng tăng lên. Và đã có không ít những thanh, thiếu niên bế tắc trong đời sống, đã vì cha mẹ không quan tâm mà sẵn sàng tự vẫn vì những lý do nhỏ nhặt nhất. Những cái giá chúng ta phải trả cho sự buông lỏng giáo dục gia đình là quá đắt.
Tạo nên những giá trị mới
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chúng ta đã xóa bỏ những thói quen phong kiến trong gia đình nhưng chưa chắt lọc ra những yếu tố hợp lý, những giá trị vĩnh cửu của văn hóa gia đình truyền thống, nhất là chúng ta chưa xây dựng được những chuẩn mực mới trên cơ sở nghiên cứu khoa học về gia đình. Những chuẩn mực như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung, dũng hoặc công, dung, ngôn, hạnh nếu được phát triển theo kiểu mới thì sẽ đóng góp rất nhiều cho giáo dục gia đình và xã hội. Ngành giáo dục, công cụ quan trọng nhất thể hiện chính sách giáo dục của đất nước trong thời gian qua cũng chưa đóng góp được nhiều khi chưa coi trọng vai trò giáo dục của gia đình và chưa biết kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục gia đình với nhà trường.
Ngày nay, chính sách của Nhà nước cũng như nhận thức của người dân về gia đình có thay đổi bước đầu. Chúng ta đang cố gắng phát triển gia đình Việt Nam sao cho vừa kế thừa được truyền thống tốt đẹp của dân tộc vừa tiếp thu được tinh hoa của thời đại. Chẳng hạn như cần phải đề cao quan điểm về cha từ, con hiếu, vợ chồng hòa thuận, anh em như chân tay, cần giáo dục ngay trong gia đình các chuẩn mực về đạo đức con người, về lòng biết ơn, thái độ sống có trách nhiệm, tính độ lượng, vị tha, nhân hậu... Đồng thời chúng ta cũng cần xóa bỏ chế độ gia trưởng, tôn trọng quyền cá nhân chính đáng của các thành viên gia đình, tôn trọng quyền trẻ em và chăm sóc người cao tuổi.
Về giáo dục gia đình, trước hết, cha mẹ cần dạy con bằng tấm gương của chính mình. Nho giáo nói: cha từ, con hiếu. Thứ hai, dạy con phải có kiến thức. Ở nhiều nước, việc dạy kiến thức cho cha mẹ là một việc làm thường xuyên để họ biết cách dạy con mình vì người ta quan niệm rằng: làm cha mẹ là một quá trình học hỏi và còn là nghệ thuật. Thứ ba, cha mẹ phải dành thời giờ dạy và chơi với con, phải tạo sự tin cậy, gần gũi vừa là cha mẹ vừa như bè bạn mà không phải lúc nào cũng ra mệnh lệnh. Khi con cái có thể tâm sự mọi chuyện vui buồn, khó khăn, thuận lợi trong cuộc sống của chúng thì cha mẹ mới có thể vững lòng. Vấn đề còn lại là tìm cách cùng con vượt khó khăn như thế nào. Cha mẹ sẽ có điều kiện uốn nắn những lệch lạc (nếu có) của con. Điều quan trọng là cha mẹ phải tôn trọng con ngay cả khi chúng có lỡ lầm. Đánh mắng nhiều không mang lại kết quả cao. Điều này sẽ rất khó với cha mẹ nhưng khi có tình huống cụ thể, cha mẹ hãy đặt mình vào địa vị của con cái để thông cảm và giúp chúng xử lý tình huống theo cách tốt nhất...
Theo: nhandan.com.vn