Dạy nghề cho lao động nông thôn ở Trực Ninh

07:09, 29/09/2012

Với 20 vạn dân, mỗi năm huyện Trực Ninh có trên 2.000 người bước vào độ tuổi lao động. Hiện số lao động trong toàn huyện là 102 nghìn người, trong đó lao động làm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản là gần 59 nghìn người chiếm 57,5%; lao động công nghiệp, xây dựng gần 30 nghìn người, chiếm 24,5%; thương mại dịch vụ trên 18 nghìn người, chiếm 18%. Trong tổng số lao động trên mới có 32% lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 240 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó có 57 doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN, 20 doanh nghiệp xây dựng, 147 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - vận tải, 4 doanh nghiệp thủy sản… và trên 12 nghìn hộ sản xuất kinh doanh tại các khu dân cư. Từ năm 2010 đến nay, cùng với các chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm của Nhà nước, Huyện uỷ, UBND huyện Trực Ninh đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, nhất là các xã có triển khai chương trình xây dựng NTM. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Phòng LĐ-TB và XH phối hợp với các xã, thị trấn, các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tổ chức khảo sát, điều tra về lực lượng lao động và nhu cầu đào tạo. UBND huyện lựa chọn những đơn vị dạy nghề có đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong 2 năm 2010 và 2011, tổng số lao động được đào tạo nghề trên địa bàn huyện là trên 5.000 người. Trong đó, mỗi năm đào tạo nghề lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ là 1.100 người (Chương trình của tỉnh khoảng 850 người, chương trình của huyện là 250 người). Ngoài ra còn chương trình dạy nghề của các ngành như: Khuyến nông của Phòng NN và PTNT, Hội Nông dân; khuyến công của Phòng Công thương; dạy nghề trong chương trình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế; dạy nghề theo phương thức truyền nghề tại các làng nghề truyền thống, các cơ sở kinh doanh, các hội nghề nghiệp… Trường Trung cấp Nghề kỹ thuật công nghiệp Nam Định, Trường Trung cấp nghề Đại Lâm và các cơ sở đào tạo nghề khác trong huyện cũng tích cực tham gia tuyển sinh, đào tạo nghề có trình độ sơ cấp và trung cấp.

Gia công sản xuất hàng mỹ nghệ tại Cty TNHH Hoàng Hiệp (Trực Ninh). (Ảnh do cơ sở cung cấp)
Gia công sản xuất hàng mỹ nghệ tại Cty TNHH Hoàng Hiệp (Trực Ninh).
(Ảnh do cơ sở cung cấp)

Ngành nghề đào tạo ở các xã, thị trấn tập trung chủ yếu vào các nghề tiểu thủ công nghiệp như đan mây tre, bẹ chuối xuất khẩu, dệt, may chiếm 60-65%, còn lại là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ…; riêng đối với 7 xã xây dựng NTM mỗi xã đào tạo 70 lao động trở lên. Sau khi được đào tạo nghề, phần lớn các lao động đã tìm được việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, huyện áp dụng phương pháp dạy nghề theo tiêu chí tạo điều kiện tốt nhất cho người học, dạy nghề tại địa bàn để người học nghề đi lại thuận tiện, thời gian dạy nghề phù hợp với thời gian sinh hoạt của người học. Giáo trình, giáo án tập trung vào thực hành và các kỹ năng lao động. Các cơ sở đào tạo nghề triển khai phương thức học đến đâu thực hành đến đấy, có thể tạo ra thu nhập ngay trong thời gian học để khuyến khích người lao động. Sau khi học nghề, hầu hết người lao động đều có việc làm, trong đó chiếm gần 80% trong tổng số lao động được đào tạo nghề có việc làm tại địa phương, 17% lao động ở tỉnh ngoài, còn lại là xuất khẩu lao động… Năm 2012, huyện Trực Ninh được Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 tỉnh phân bổ chỉ tiêu dạy nghề ngắn hạn cho 555 lao động nông thôn gồm 455 lao động phi nông nghiệp và 100 lao động nông nghiệp. Đến nay, các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh và huyện đã tổ chức trên 10 lớp học với 480 người theo học, đạt 86,5%. Để hỗ trợ việc dạy nghề theo chương trình dạy nghề của huyện, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch dành 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo nghề năm 2012 để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động trong huyện chưa qua đào tạo, có nhu cầu học nghề, đặc biệt ưu tiên tuyển sinh tại các xã xây dựng NTM. Mặc dù, số vốn trên chưa được triển khai nhưng 2 đơn vị triển khai dạy nghề theo chương trình của huyện là Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật công nghiệp Nam Định đã tổ chức dạy 4 lớp (3 lớp may, 1 lớp dệt) và Trường Trung cấp nghề Đại Lâm tổ chức dạy 2 lớp may. Riêng đối với 7 xã xây dựng NTM, đến tháng 6-2012 đã triển khai 24 lớp đào tạo nghề với tổng số 888 lao động. Nhiều xã xây dựng NTM có số lớp đào tạo nghề cao như các xã Trực Nội, Trực Hưng, Việt Hùng… và hầu hết người lao động đều có việc làm sau khi được đào tạo. Theo đánh giá của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, các lao động đã qua đào tạo nghề đều cơ bản đáp ứng yêu cầu về công việc. Chị Phạm Thị Hoa, quê xã Trung Đông hiện đang là công nhân của doanh nghiệp tư nhân Lương Anh cho biết: “Sau khi học nghề và được vào doanh nghiệp làm việc, mỗi tháng tôi có thu nhập trên 2 triệu đồng, góp phần nuôi con ăn học, ổn định cuộc sống gia đình. Hiện, trong xã có gần 60 người cũng đang học nghề may”.

Học nghề đang là lựa chọn của nhiều lao động của huyện Trực Ninh để tìm việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống./.

Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com