Triển khai thực hiện giải pháp về môi trường trong xây dựng nông thôn mới

07:09, 20/09/2012

Qua 2 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng: Tại 11 xã điểm của tỉnh (trong đó có 1 xã điểm của Trung ương) có 4 xã tăng 8 tiêu chí, 2 xã tăng 7 tiêu chí, 1 xã tăng 6 tiêu chí, 3 xã tăng 5 tiêu chí, 1 xã tăng 2 tiêu chí; tại 85 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 của tỉnh, bình quân mỗi xã, thị trấn tăng 3 đến 4 tiêu chí. Tuy nhiên các xã, thị trấn đều chưa đạt được tiêu chí về môi trường.

Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định tham gia làm vệ sinh môi trường tại xã Trung Thành (Vụ Bản).
Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định tham gia làm vệ sinh môi trường tại xã Trung Thành (Vụ Bản).

Tại huyện Hải Hậu, một trong những địa phương tiêu biểu trong xây dựng NTM của tỉnh đến nay mới xây dựng thêm 7 điểm thu gom và xử lý rác thải, 2 công trình cấp nước sạch tại các xã Hải Toàn, Hải An và Thị trấn Yên Định. Trong tổng số 96 xã, thị trấn xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2010-2015, đến hết tháng 6-2012, mới đầu tư xây dựng 9 công trình cấp nước tập trung, 28 điểm thu gom xử lý rác thải nâng tổng số lên 19 công trình cấp nước tập trung, 53 bãi xử lý rác thải, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 60%. Số xã có đội vệ sinh, duy trì thường xuyên hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải đã từng bước tăng lên nhưng tại nhiều xã, thị trấn rác thải mới chỉ được tập kết tại bãi rác của địa phương mà chưa được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Hệ thống thoát nước thải tại khu vực nông thôn chưa được chú trọng đầu tư. Hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề đều đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ; chưa có xã nào đạt chỉ tiêu các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường. Đối với chỉ tiêu xây dựng nghĩa trang, các xã, thị trấn đều đã thực hiện lồng ghép các nghĩa trang nhân dân hiện có vào trong quy hoạch tổng thể xây dựng NTM để quản lý, tôn tạo, nâng cấp các hạng mục công trình phụ trợ. Hầu hết các nghĩa trang chưa được đầu tư xây dựng và cải tạo theo yêu cầu, chưa có khu xử lý chất thải; chưa có hệ thống đường phân khu, hệ thống cây xanh... Nguyên nhân các địa phương khó đạt được tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM là do khó khăn về vốn. Nguồn ngân sách hỗ trợ để thực hiện tiêu chí môi trường rất thấp, còn lại phụ thuộc vào sự huy động vốn của địa phương và sự đóng góp của người dân. Tại nhiều địa phương cả chính quyền và người dân còn có thái độ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nên khi chưa có hỗ trợ thì chưa thể triển khai, đầu tư các công trình bảo vệ môi trường. Tại nhiều xã, tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư đã xảy ra từ nhiều năm nay nhưng do chưa có kinh phí đầu tư xây dựng bãi rác nên dù có muốn thành lập tổ thu gom thì cũng không có nơi tập kết, xử lý rác. Một số xã đã thành lập được tổ, đội thu gom rác thải nhưng hoạt động không thường xuyên. Một số xã mặc dù đã triển khai đầu tư các công trình BVMT nhưng chỉ dừng lại ở mức được hỗ trợ đến đâu thì đầu tư và khai thác đến đó, gây lãng phí và hiệu quả sử dụng không cao: Chẳng hạn, công trình xử lý rác thải Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy); trạm xử lý nước thải CCN Yên Xá (Ý Yên)… đã được tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư hoàn thiện, đã vận hành chạy thử nhưng đến nay các công trình này vẫn chưa được các địa phương đưa vào sử dụng vì không huy động đủ nguồn kinh phí vận hành và duy trì hoạt động. Một nguyên nhân nữa là do nhiều người dân ở vùng nông thôn có thói quen xả thải rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN tại các làng nghề, các CCN cũng trốn tránh sự kiểm soát lực lượng chức năng, cố tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm BVMT theo quy định. Tại nhiều xã, thị trấn, phần lớn bà con nông dân chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ các phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn thân thiện với môi trường. Nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô gia trại cũng chưa thực hiện các phương pháp chăn nuôi an toàn, gắn với BVMT. Các hộ tham gia thực hiện chăn nuôi an toàn theo các dự án thí điểm, có hỗ trợ kinh phí thì bỏ thực hiện ngay khi dự án kết thúc…

Để giải quyết những khó khăn khi thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM, cần phát huy hơn nữa tinh thần chung sức của các cấp, các ngành và của mọi người dân. Tỉnh ta đã xây dựng một lộ trình cụ thể để có thể huy động hợp lý nguồn kinh phí đầu tư cho công tác thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Theo đó, toàn tỉnh sẽ tập trung xây dựng nếp sống hợp vệ sinh gắn với việc khôi phục phong trào xây dựng “ba công trình vệ sinh” của từng hộ gia đình theo tình hình thực tế. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, thu gom và xử lý hợp vệ sinh đối với các loại bao bì đựng hóa chất sau khi sử dụng; xử lý triệt để các điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Vận động các hộ chăn nuôi trang trại, gia trại lắp đặt hầm bioga để xử lý chất thải chăn nuôi. Tập trung quy hoạch và xây dựng các khu xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, trước mắt đầu tư xây dựng khu xử lý chôn lấp rác thải sinh hoạt quy mô thôn, xã, tiến tới xây dựng khu xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp vùng theo quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh. Đến năm 2015, hoàn thành nhà máy xử lý nước thải công nghiệp tập trung đối với KCN Mỹ Trung và Bảo Minh và 5 CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Đồng Côi, Nam Giang, Nam Hồng (Nam Trực), Quang Trung (Vụ Bản). Các khu, CCN xây dựng mới đều phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật BVMT. 100% doanh nghiệp có dụng cụ phân loại rác thải tại nguồn; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường. Toàn tỉnh phấn đấu đầu tư xây dựng mới 60 bãi chôn lấp, xử lý rác thải quy mô cấp xã tại 9 huyện; thu gom 90% chất thải công nghiệp và dịch vụ, xử lý trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện. 97% dân số đô thị và 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh./.

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com