Từ đầu năm đến nay, mặc dù BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố đã có nhiều biện pháp tích cực trong đôn đốc thu song kết quả còn thấp. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của việc thay đổi mức lương tối thiểu vùng, lương tối thiểu chung của Nhà nước, nhất là hoạt động cho vay của các ngân hàng bị đình trệ khiến nhiều doanh nghiệp không có khả năng nộp BHXH hoặc phải chậm nộp BHXH. Nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh trốn tránh tham gia BHXH, BHYT bắt buộc theo Luật BHXH.
Cán bộ Phòng Thu BHXH tỉnh rà soát các đơn vị nợ đọng để có biện pháp xử lý kịp thời. |
Theo số liệu khảo sát của BHXH các huyện, thành phố, thời điểm đầu năm 2012, toàn tỉnh có 1.449 doanh nghiệp ngoài quốc doanh sử dụng 36.175 lao động chưa tham gia BHXH. Đặc biệt, tình trạng nợ đọng dây dưa, kéo dài đang trở thành phổ biến ở các doanh nghiệp. Cụ thể là các doanh nghiệp: Cty CP May Đông Á, Cty CP Xây lắp I Nam Định, Cty Thương mại tổng hợp Nam Định, Cty CP May Nam Hải, Cty CP Xây lắp điện Nam Hà, Cty CP Xây dựng thuỷ lợi Sông Hồng, Cty CP Coma 19, Cty CP Dệt kim Thắng Lợi, Cty TNHH May Trường Xuân… Mặc dù quy định xử phạt hành chính vi phạm về BHXH được cụ thể hoá tại Nghị định 86/2010/NĐ-CP ngày 13-8-2010 của Chính phủ, song trên thực tế chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra lao động, thanh tra nhà nước, quản lý tài chính, ngân hàng, kho bạc nhà nước, cơ quan chủ quản với ngành BHXH để cùng thực hiện; cơ quan BHXH chỉ có chức năng kiểm tra, không được xử phạt nên dù phát hiện nhiều vi phạm nhưng khó xử lý. Nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình nợ BHXH do mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp. Đến hết tháng 7-2012, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là trên 69,7 tỷ đồng. Trong đó, riêng nợ BHXH từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là trên 32,5 tỷ đồng; nợ trên 6 tháng là trên 22,4 tỷ đồng. Điều này đã gây thiệt hại không nhỏ cho người lao động khi xem xét, giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất… Trước thực tế này, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố đã tăng cường thực hiện các biện pháp để giảm thiểu việc nợ đọng tiền BHXH của các đơn vị như: tính lãi suất nộp chậm, cử cán bộ chuyên quản thường xuyên bám sát đơn vị sử dụng lao động để đôn đốc, vận động, giải thích cho các đơn vị hiểu và thực hiện tốt công tác nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; rà soát, phân loại các đơn vị nợ đọng để có kế hoạch xử lý cụ thể với từng đơn vị. BHXH tỉnh thống kê các doanh nghiệp có số nợ lớn, thời gian nợ đọng kéo dài, xây dựng kế hoạch và biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, tổ chức kiểm tra và thực hiện việc khởi kiện đơn vị nợ đọng BHXH... Tháng 7-2012, BHXH tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ khởi kiện tại TAND Thành phố Nam Định, 4 đơn vị còn lại chưa hoàn thành nộp số tiền nợ BHXH trong danh sách 8 đơn vị bị khởi kiện đợt 1 gồm Cty CP Coma 19, Cty CP Xây dựng thuỷ lợi Sông Hồng, Cty CP Xây lắp điện Nam Hà, Cty CP May Nam Hải. Qua đó, các đơn vị đã thực hiện trả nợ và cam kết trả nợ. BHXH tỉnh cũng đang hoàn thiện hồ sơ đợt 2 khởi kiện ra toà 3/9 đơn vị nợ BHXH đã gửi thông báo trước khởi kiện gồm: Cty CP Dệt kim Thắng Lợi, Cty CP May Đông Á, Cty CP Thương mại tổng hợp Nam Định.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng BHXH những tháng cuối năm, BHXH tỉnh tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động. Đối với các đơn vị chưa đóng, chậm đóng, đóng không đủ số người, BHXH sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, đôn đốc việc thu, nộp, kiên quyết tính lãi chậm đóng theo quy định. Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ tỉnh, Sở LĐ-TB và XH tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị sử dụng lao động thực hiện tốt chính sách cho người lao động, BHXH tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của tổ thu nợ, tập trung rà soát lại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng kéo dài để nắm bắt nguyên nhân nợ do phá sản, làm ăn thua lỗ hay vì lý do khác, từ đó có biện pháp xử lý thích hợp... Đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục khởi kiện ra toà, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động; đồng thời yêu cầu chủ sử dụng lao động phải có cam kết về lộ trình trả nợ cụ thể./.
Bài và ảnh: Lam Hồng