Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em

07:09, 18/09/2012

Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2012 các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến các địa phương đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Toàn tỉnh đã tổ chức 150 cuộc tọa đàm, gặp mặt gia đình và trẻ em tiêu biểu cấp huyện và trên 500 cuộc toạ đàm cấp xã; có 154/229 xã, phường, thị trấn tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi giải trí cho trẻ em được tổ chức sôi nổi. Các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thường xuyên rà soát nắm tình hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để can thiệp, trợ giúp kịp thời và thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; vận động ủng hộ xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em, xây dựng các mô hình bảo vệ trẻ em hiệu quả, các công trình phúc lợi xã hội phục vụ trẻ em. Tính đến tháng 8-2012, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hơn 180 triệu đồng; quỹ cấp huyện, thành phố nhận được gần 553 triệu đồng; quỹ các xã, phường, thị trấn nhận được trên 765 triệu đồng. Riêng trong Tháng hành động vì trẻ em 2012 và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã trao tặng 500 suất học bổng, 100 xe đạp cho 600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng; tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá trên 1 tỷ đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với Trung tâm tim mạch (Bệnh viện E, Hà Nội), VinaCapital Foundation-VCF (Quỹ tài trợ của tập đoàn VinaCapital Group) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức khám miễn phí cho 67 trẻ em mắc bệnh tim trong tỉnh, qua đó xác định 24 cháu có thể tiến hành phẫu thuật, VinaCapital hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí cho các cháu.

Hoạt động vui chơi ngoại khoá góp phần giáo dục thể chất cho trẻ em tại Trường Mầm non Sao Vàng (TP Nam Định).
Hoạt động vui chơi ngoại khoá góp phần giáo dục thể chất cho trẻ em tại Trường Mầm non Sao Vàng (TP Nam Định).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác bảo vệ trẻ em ở tỉnh ta vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của gia đình và cộng đồng về bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ, dẫn tới rất ít trường hợp đấu tranh để ngăn chặn hành vi ngược đãi, bạo lực, bóc lột trẻ em ở gia đình và cộng đồng hoặc thông báo cho các cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý. Pháp luật chưa quy định các thủ tục đặc biệt cho việc tố giác, điều tra các trường hợp xâm hại trẻ em; quy định về việc tước bỏ tạm thời quyền nuôi dạy con khi cha mẹ vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ em. Việc hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em vi phạm pháp luật còn khó khăn. Trẻ em lang thang, trẻ em lao động xa nhà, trẻ em lao động nặng nhọc, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em khuyết tật diễn biến khó kiểm soát, do đó việc hỗ trợ và đảm bảo thực hiện chính sách của Nhà nước cho nhóm đối tượng này còn nhiều bất cập. Phần lớn số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong hộ nghèo chưa hoặc khó tiếp cận với 8 nhóm dịch vụ xã hội và phúc lợi xã hội dành cho trẻ em gồm dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và vui chơi giải trí. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 200 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, 2.081 trẻ em khuyết tật, tàn tật; 482 trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa; 106 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS; 216 trẻ em sống lang thang; 3.312 trẻ em làm việc xa gia đình; 17.410 trẻ em sống trong hộ nghèo. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em là một bộ phận gia đình gặp khó khăn về kinh tế dẫn đến sao nhãng, bỏ mặc trẻ em; áp lực tâm lý trong đời sống gia đình và xã hội dẫn đến nguy cơ cao trẻ em bị bỏ rơi, bị bạo lực. Kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và của chính trẻ em chưa đầy đủ, vai trò của cộng đồng và gia đình trong hoạt động bảo vệ trẻ em chưa được coi trọng. Việc giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh trong trường học và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa thông tin vẫn còn một số hạn chế trước sự phát triển mạnh mẽ và tác động từ mặt trái của internet, các xuất bản phẩm, băng đĩa ngoài luồng. Bên cạnh đó, việc tạo cho trẻ em môi trường thân thiện với những điều kiện vui chơi giải trí lành mạnh, phát triển năng khiếu của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Nhà văn hóa, khu vực vui chơi dành riêng cho trẻ em ngày càng bị thu hẹp. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức của tỉnh trong hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em còn hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, UBND tỉnh đã ra Quyết định 1509 ngày 5-9-2011 phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2015. Chương trình đề ra các mục tiêu: Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 1% so với tổng dân số trẻ em. Trên 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển. Hơn 90% trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu và loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Xây dựng 1 trung tâm công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh, 2 văn phòng tư vấn bảo vệ trẻ em cấp huyện có đủ năng lực tổ chức hoạt động truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Tổ chức tốt 5 dự án về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đến năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu: Giảm tỷ lệ trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại xuống còn 7/10.000 trẻ em. Hỗ trợ 100% trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, tiếp xúc với chất độc hại, trẻ em có nguy cơ lang thang được học văn hóa; đào tạo nghề miễn phí khi không có khả năng tiếp tục học văn hóa nhưng có đủ điều kiện để học nghề; hỗ trợ định hướng và tìm việc làm cho 100% trẻ em sau khi đã được đào tạo nghề. Tìm gia đình nuôi dưỡng cho 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi trên địa bàn. 100% trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, được hỗ trợ về y tế, giáo dục, được học nghề miễn phí khi đủ điều kiện về sức khỏe và có nhu cầu. Để thực hiện các mục tiêu đề ra, thời gian tới, các cấp, các ngành và các tổ chức xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Kịp thời biểu dương những cá nhân, tổ chức đã giúp đỡ có hiệu quả cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch cụ thể về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao dành riêng cho trẻ em hướng tới việc tạo môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em, đặc biệt quan tâm đến trẻ em trong các hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chủ động phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước trong dịp hè, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Vân động các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ nguồn lực cho “Quỹ bảo trợ trẻ em”, xây dựng chương trình phúc lợi dành cho trẻ em; hỗ trợ trẻ em nghèo thông qua các hình thức tặng quà, tặng học bổng văn hóa, học nghề. Về lâu dài, cần tổ chức mạng lưới dịch vụ bảo vệ trẻ em, gia đình, cộng đồng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ có liên quan đến nội dung củng cố, ổn định và phát triển kinh tế gia đình. Xây dựng hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực pháp luật, y tế, bảo trợ xã hội, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại và bạo lực./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com