Trên địa bàn huyện Ý Yên hiện có 2.087 người là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, trong đó có 17 nạn nhân trực tiếp loại 1 (suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) 1.394 người, loại 2 (suy giảm khả năng lao động từ 61-80%), 126 thương binh mất sức lao động do nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin; 550 nạn nhân chịu ảnh hưởng gián tiếp. Được sự quan tâm chỉ đạo của huyện ủy, UBND huyện, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả giúp hội viên vượt qua khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống.
Các sản phẩm làm từ cao su phế thải tại gia đình ông Nguyễn Lương Thông ở thôn Văn Tiên, xã Yên Tiến. |
Xã Yên Tiến là địa phương có nhiều tấm gương điển hình trong phong trào nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin vươn lên phát triển kinh tế, tiêu biểu là gia đình các ông: Ngô Văn Minh, Nguyễn Lương Thông, Phạm Văn Cấp, Ngô Văn Quỳ… Ông Ngô Văn Minh, nạn nhân chất độc da cam ở xóm Tân Hưng, từ nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống của gia đình, ông đã mở cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chuyên làm câu đối, hoành phi, đại tự, sơn son thếp vàng…, tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, anh đã ký hợp đồng đặt hàng trị giá 8 tỷ đồng, ước tính lợi nhuận 500-600 triệu đồng. Cty TNHH Cường An của gia đình ông Nguyễn Lương Thông, nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở thôn Văn Tiên, chuyên sản xuất các mặt hàng xô, thùng, chậu bằng cao su phế thải. Ông Thông cho biết: Sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, ông đã kế tục nghề làm giầy da gia công của gia đình và sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới, mang lại giá trị thu nhập cao. Các sản phẩm xô, thùng, chậu do Cty sản xuất đều được xuất khẩu sang các nước châu Âu để trồng rau, hoa, cây cảnh. Cty của ông tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ ở xã Yên Tiến, các hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Ý Yên luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, bệnh tật vươn lên làm giàu, hòa nhập cộng đồng. Tiêu biểu như các ông Phạm Minh Ngọc ở xã Yên Ninh chăn nuôi lợn gà theo mô hình công nghiệp, mỗi năm thu nhập đạt từ 50-70 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Quý ở xã Yên Nghĩa phát triển mô hình VAC mỗi năm lợi nhuận thu được 40-50 triệu đồng... Bên cạnh sự vươn lên của các hội viên, các cấp Hội từ huyện tới xã đã tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Từ năm 2011 đến nay, các cấp hội trong huyện đã tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương để ủng hộ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam với tổng số tiền 563 triệu đồng; cho hội viên vay vốn không tính lãi suất để phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn 125 triệu đồng. Ngoài ra, hội đã hỗ trợ xây dựng được 13 căn nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn sản xuất, tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho hội viên vào dịp lễ, tết, lúc ốm đau ủng hộ tiền cho con em hội viên vượt khó học giỏi… với tổng số tiền 304 triệu đồng.
Tuy nhiên, hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Ý Yên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. Công tác vận động hỗ trợ nguồn quỹ còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực của địa phương, kênh cung cấp vốn cho các gia đình hội viên để phát triển kinh tế chưa có. Thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nguồn quỹ, phấn đấu mỗi năm đạt từ 60-70 triệu đồng; nâng số hội viên có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc hằng năm lên từ 40-50% trong tổng số nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin trong huyện. Đồng thời, Hội tích cực khai thác nhiều kênh cung cấp vốn để đáp ứng nhu cầu tăng gia sản xuất kinh doanh cho các hội viên giúp họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng./.
Bài và ảnh: Văn Thứ