Bước vào đầu năm học, nhiều phụ huynh học sinh lại canh cánh nỗi lo về các khoản thu. Chị Trần Thị T ở đường Đặng Việt Châu (TP Nam Định) có một con đang học tiểu học, một con học mầm non cho biết: “Ngoài khoản học phí 75 nghìn đồng cho cháu bé ở trường mầm non, ngay đầu năm học, gia đình tôi đã phải đóng góp tiền triệu cho các con với những khoản thu như: tiền xây dựng cơ sở vật chất, mắc điều hoà, quỹ hội phụ huynh, hỗ trợ giáo dục, bảo hiểm, tiền sinh nhật, quỹ lớp rồi các khoản mua sắm như: sách vở, đồng phục…”. Trong điều kiện kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn, việc phải đóng liền lúc nhiều khoản tiền cũng là gánh nặng đối với các bậc phụ huynh.
Những năm gần đây, tình trạng lạm thu được xem như căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục. Mặc dù Điều 105 Luật Giáo dục đã nêu rõ: ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác. Tuy nhiên, trên thực tế, các khoản thu ngoài tiền học phí vẫn diễn ra ở nhiều trường, nhất là các trường điểm, trường thuộc địa bàn Thành phố Nam Định. Phải thừa nhận rằng, những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục, các cơ sở giáo dục công lập của tỉnh ta đã nhận được sự quan tâm, đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là phụ huynh học sinh. Cùng với ngân sách Nhà nước, các khoản đóng góp của phụ huynh học sinh đã góp phần nâng cấp cơ sở vật chất, hỗ trợ tổ chức các hoạt động của nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh trong nhà trường được tốt hơn. Tuy nhiên, do việc hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, chặt chẽ nên việc huy động đóng góp ở các cơ sở giáo dục không thống nhất, chưa được sự đồng thuận cao của phụ huynh học sinh, gây bức xúc trong nhân dân. Chị Nguyễn Thị Y ở đường Nguyễn Công Trứ (TP Nam Định) cho biết: “Cháu nhà tôi khi bắt đầu vào học ở Trường mầm non S, lớp có 70 học sinh, nhà trường yêu cầu mắc điều hoà trị giá 20 triệu đồng nên mỗi phụ huynh phải đóng góp 300 nghìn đồng. Hằng tháng lại phải đóng từ 15-30 nghìn đồng tiền điện dùng điều hoà”. Anh Nguyễn Văn V ở Ô 19, phường Hạ Long (TP Nam Định) cũng bức xúc bày tỏ: “Đi họp phụ huynh, nghe cô giáo bảo năm nay theo yêu cầu chương trình giáo dục mầm non mới, mỗi lớp mẫu giáo 5 tuổi phải có một bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị giáo dục tối thiểu với danh mục gồm 152 đồ dùng, đồ chơi, thiết bị giáo dục nên mỗi cháu phải đóng góp 260 nghìn đồng cho khoản này. Các cháu 2 tuổi vừa "chân ướt chân ráo" vào trường cũng phải đóng 160 nghìn tiền mua đồ chơi”. Điều đáng nói là sau khi các cháu lên lớp hoặc ra trường, các đồ dùng, thiết bị đã mua không biết nhà trường xử lý như thế nào, trong khi các cháu mới vào lại tiếp tục phải đóng góp để mua mới. Nhiều phụ huynh lại băn khoăn, thắc mắc việc các cháu dưới 72 tháng tuổi đã có thẻ BHYT miễn phí nhưng đầu năm học nhà trường vẫn thu 60 nghìn đồng/cháu, nói là tiền bảo hiểm thân thể. Qua phản ánh của phụ huynh học sinh cho thấy đầu năm học, mỗi học sinh phải đóng góp rất nhiều khoản, từ tiền đóng góp xây nhà đa năng, mua ti vi, điều hoà, ghế ngồi cho học sinh sinh hoạt ngoài sân, tiền bảo vệ, vệ sinh nhà trường đến đồng phục, sách vở cũng phải theo mẫu do nhà trường đặt mặc dù chất lượng thì thua xa và giá cả đắt hơn giá thị trường. Có những trường tiểu học ở địa bàn thành phố có uy tín và chất lượng cao, nhiều ông bố, bà mẹ cố gắng "chạy" cho con vào học trái tuyến với số tiền 5 triệu đồng, mặc dù trường đóng trên địa bàn họ sinh sống và theo lẽ tự nhiên, con cái của họ vào trường là đúng tuyến. Lại có trường tiểu học "hạn chế" số lượng học sinh bán trú, trong điều kiện các bậc phụ huynh bận rộn cả ngày, vì vậy để có một "suất" cho con học bán trú, không ít phụ huynh phải nhờ mối quen biết đăng ký trước và chạy vạy với khoản tiền không nhỏ. Tình trạng lạm thu có lúc lại diễn ra từ chính các bậc phụ huynh. Một số phụ huynh được chỉ định làm chi hội trưởng phụ huynh (thường là những người có thế mạnh về tài chính) đứng ra huy động đóng góp xây dựng quỹ phụ huynh. Nhiều người tuy không đồng tình về mức đóng góp, song do tâm lý e ngại, sợ ảnh hưởng đến con em mình nên đành phải bấm bụng, ngậm bồ hòn làm ngọt…
Cô và trò Trường Tiểu học Nam Mỹ trong giờ lên lớp. Ảnh: Hồng Minh |
Để khắc phục tình trạng lạm thu, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này. Ngày 1-1-2011, UBND tỉnh đã có Công văn số 227 gửi các Sở GD và ĐT, Tài chính, UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường quản lý việc huy động đóng góp ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, từ năm học 2011-2012, UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo: về chủ trương, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo đủ chi phí cho toàn bộ hoạt động phục vụ công tác dạy và học của nhà trường thì việc huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh là cần thiết (nhất là đối với cấp tiểu học đang thực hiện miễn học phí). Việc huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh phải đảm bảo yêu cầu có sự bàn bạc, đồng thuận của hội cha mẹ học sinh và nhà trường, phù hợp với điều kiện mức sống, thu nhập của phần lớn người dân từng vùng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đóng góp tự đứng ra mua sắm, lắp đặt trang thiết bị với sự thoả thuận, hướng dẫn của nhà trường. Ngày 15-7-2011, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do tỉnh quản lý từ năm học 2011-2012 đến năm học 2014-2015; Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-8-2011. Ngày 3-11-2011, UBND tỉnh tiếp tục ra Quyết định số 27 về việc quy định mức thu tiền học ngày thứ 7, tiền học thêm, học nghề trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh với những mức thu cụ thể cho từng cấp học. Quyết định này cũng có hiệu lực thi hành từ năm học 2011-2012.
Mặc dù các quy định đã rõ ràng, Sở GD và ĐT cũng đã phối hợp với Sở Tài chính có hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở giáo dục về việc tổ chức huy động, sử dụng và công khai việc quản lý, sử dụng các khoản huy động đóng góp của cha mẹ học sinh theo quy định hiện hành của Nhà nước nhưng trên thực tế, tình trạng lạm thu vẫn diễn ra trong năm học vừa qua và tiếp tục trở thành nỗi lo của không ít phụ huynh trong năm học này. Để giải quyết tình trạng lạm thu ở tỉnh ta, thời gian tới, Sở GD và ĐT, UBND các huyện, thành phố cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở những cơ sở bị dư luận phản ánh về tình trạng lạm thu; đảm bảo việc huy động đóng góp phải trên cơ sở thoả thuận, thống nhất giữa cơ sở giáo dục với hội cha mẹ học sinh, không được ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào. Mức huy động đóng góp không được vượt quá mức tối đa như đã quy định trong Quyết định số 27/2011, Nghị quyết số 12/2011 và Công văn số 227/2011của UBND tỉnh và không được đặt ra các khoản thu khác ngoài quy định. Mặt khác, để giải quyết tình trạng lạm thu, nhiều người cho rằng cần điều chỉnh mức thu học phí hợp lý hơn, đủ trang trải cho hoạt động dạy và học. Bởi học phí - khoản đóng góp chính thức của người học hiện nay, nhất là bậc THPT còn quá thấp so với thực tế thu nhập và mức sống xã hội, trong khi các khoản thu khác lại quá cao, chẳng hạn như: tiền BHYT bắt buộc, tiền xây dựng, nước uống, quỹ phụ huynh, nhà xe… Năm học 2012-2013, Sở GD và ĐT cũng sẽ triển khai Đề án 94 ngày 12-7-2011 của UBND tỉnh về quy định mức thu học phí mới; quy định về miễn giảm học phí đối với cơ sở giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015./.
Hồng Hạnh