Về xã Nam Lợi (Nam Trực) những ngày Tháng Tám lịch sử, đi trên những con đường bê tông rộng rãi, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng nơi đây. Đồng chí Nguyễn Xuân Điều, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Nam Lợi là vùng đất giàu truyền thống cách mạng của huyện. Sau Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, ngoài việc củng cố chính quyền và các đoàn thể, chi bộ Đảng xã Nam Lợi còn thực hiện tốt chủ trương lớn của Đảng và Hồ Chủ tịch về “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Nhiều gia đình sẵn sàng nhường chỗ ở để phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Gia đình các cụ Trần Thị Bối, Trần Thị Huân ở làng Duyên Hưng nhường chỗ ở cho cơ quan Tỉnh ủy làm cơ sở in ấn tài liệu của Đảng, chùa Liên Bách, thôn Liên Bách làm cơ sở cho Ban giao thông liên lạc Tỉnh ủy… Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân xã Nam Lợi vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Nhiều phong trào “thi đua sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi” được dấy lên mạnh mẽ như phong trào “Ba đảm đang” của Hội Phụ nữ, “3 sẵn sàng” của Đoàn Thanh niên, “3 giỏi” của phụ lão... chi viện sức người, sức của cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân xã Nam Lợi đã tiễn hàng nghìn người con lên đường bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Nam Lợi có 544 thanh niên nhập ngũ, 192 liệt sĩ, 85 thương bệnh binh, 106 gia đình được Chính phủ tặng Bằng khen, 13 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… đóng góp hàng chục nghìn tấn thóc và thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam.
Vùng quê Nam Lợi hôm nay. |
Bước vào công cuộc đổi mới đất nước, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, 14 cụm dân cư thuộc 14 làng trong xã đã đoàn kết, khắc phục khó khăn tạo nên những chuyển biến căn bản, toàn diện trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp; trong đó, tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng để phục vụ sản xuất như đường, điện, trạm bơm, bê tông hóa hệ thống kênh mương nội đồng và củng cố, nâng cấp hệ thống bờ vùng, bờ thửa phục vụ tưới tiêu nước, đồng thời đẩy mạnh thâm canh, tập huấn cho nông dân nắm bắt khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, mở các lớp đào tạo nghề… Đồng thời, xã xây dựng quy hoạch vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những diện tích cấy lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Đến nay, xã đã chuyển đổi 10,5ha diện tích đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản. Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm được phát triển nhân rộng tại các thôn, xóm trong xã... Hệ thống các công trình phúc lợi: điện, đường, trường, trạm, nước sạch được đầu tư xây dựng, phục vụ cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đường giao thông trong xã được nhựa hóa, bê tông hóa tới từng hộ gia đình… Nhiều công trình trọng điểm được xã đầu tư xây dựng như khu trung tâm thương mại chợ Quỳ và các trường mầm non Nam Lợi, Nam Quan, Trường THCS Nam Lợi, bãi xử lý chôn lấp rác thải... 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường mầm non. Trạm y tế, nghĩa trang liệt sỹ, chợ được quy hoạch, xây dựng khang trang… Phong trào thực hiện nếp sống văn hóa ở các thôn, xóm được đẩy mạnh. Toàn xã có 7 thôn được công nhận “Làng văn hóa”. Công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến học khuyến tài được nhân rộng. Xã có 14 dòng họ được huyện công nhận dòng họ có nhiều người học giỏi và thành đạt. Hiện, xã có 2 trường tiểu học, 1 trường THCS đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 và đang phấn đấu hoàn thành chuẩn quốc gia giai đoạn 2 vào năm 2014.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, quân và dân xã Nam Lợi đang đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân