Nghị định 52/2012/NĐ-CP ngày 14-6-2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, trong đó hành vi sử dụng điện thoại tại các cây xăng có mức phạt từ 2-5 triệu đồng, có hiệu lực từ ngày 5-8-2012. Thời gian qua, nội dung của Nghị định 52 đã được tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng nhiều người dân vẫn chưa có ý thức tuân thủ.
Một người dân vẫn “vô tư” dùng điện thoại gần biển “cấm lửa” tại cây xăng. |
Qua khảo sát thực tế, ngoài các cây xăng thuộc diện quản lý của Nhà nước, ở nhiều cây xăng trên địa bàn tỉnh vẫn không treo biển “cấm sử dụng điện thoại di động”... Ngay cả ở những cây xăng đã có pa nô, biển cấm khi hỏi nhiều người dân vẫn không hiểu được “tinh thần” của Nghị định 52, hoặc có người cho rằng, chỉ ở các thành phố lớn mới cấm và phạt khi sử dụng điện thoại di động ở cây xăng. Có người chưa nghe nói hoặc có người nghe rồi, biết rồi nhưng vẫn cứ dùng vì đã thấy cây xăng cháy nổ vì điện thoại… bao giờ đâu? Theo các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, hiện trên thế giới, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu đều cấm sử dụng điện thoại di động để đề phòng nguy cơ cháy nổ. Khi có sóng điện thoại, nguồn nhiệt phát sinh từ điện thoại rất lớn, có thể gây chập mạch dẫn đến phát sinh tia lửa điện. Khi đó, tại các vòi bơm xăng nếu có rò rỉ sẽ rất dễ gây ra nguy cơ cháy nổ. Thực tế ở nước ta có rất ít các vụ cháy nổ do sóng điện thoại gây ra, song để đảm bảo tính mạng cho người dân thì không thể chủ quan. Các cây xăng hầu hết được xây dựng ở khu dân cư ven đường giao thông, gần chợ…; nếu xảy ra sự cố cháy nổ sẽ gây nguy hiểm cho nhiều người. Vì vậy, mỗi người cần nghiêm túc thực hiện Nghị định 52 của Chính phủ để ngăn ngừa cháy nổ do điện thoại di động gây ra. Nghị định 52 không chỉ cấm sử dụng điện thoại di động ở cây xăng mà cấm cả ở các khu vực như: kho dầu mỏ, trạm chiết nạp, cửa hàng kinh doanh các loại khí dầu mỏ, kho chứa hóa chất dễ cháy nổ, dễ bay hơi... Ngoài điện thoại di động, các thiết bị điện tử khác như máy nhắn tin, máy ảnh, camera, thu phát sóng cũng bị cấm sử dụng tại các khu vực có nguy cơ cháy nổ kể trên. Mức phạt đối với hành vi sử dụng thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở những nơi có quy định cấm theo Nghị định 52 cao gấp 10 lần so với quy định cũ. Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia và cả người dân, Nghị định 52 có nhiều điểm vẫn còn chung chung, gây khó khăn cho cả người phạt lẫn bị xử phạt. Nhiều người băn khoăn: Nếu quên tắt điện thoại trước khi vào đổ xăng, khi có cuộc gọi đến, có tin nhắn nhưng không nghe, không nhận tin nhắn mà vẫn để điện thoại trong túi thì có bị xử phạt không? Cơ quan nào có thẩm quyền được xử phạt? Và liệu có đủ người để "rải" khắp các cây xăng xử lý vi phạm? Trong khi việc lắp đặt ca-mê-ra theo dõi ở các cây xăng thì không phải cây xăng nào cũng làm được. Cũng có ý kiến cho rằng nên lắp đặt các công cụ phá sóng điện thoại tại các cây xăng. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, về mặt kỹ thuật có thể tiến hành phá sóng điện thoại nhưng do cây xăng hầu hết được xây dựng tại các khu đông dân cư nên sẽ dẫn tới khóa sóng của cả khu vực gần đó, ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu thông tin liên lạc của người dân xung quanh.
Để Nghị định 52 sớm đi vào cuộc sống thì việc tuyên truyền nghị định giữ vai trò quan trọng. Trước hết, các cây xăng cần lắp đặt pa nô, biển báo đủ rộng, trích nội dung quy định về cấm sử dụng điện thoại di động nơi đổ xăng, tạo sự chú ý của người dân, nâng cao ý thức tự giác thực hiện quy định về phòng, chống cháy nổ. Đối với chủ các cây xăng, khi phát hiện khách hàng sử dụng điện thoại cần nhắc nhở kiên quyết, cũng là một cách tuyên truyền trực tiếp hiệu quả. Đối với những cơ quan có thẩm quyền, cùng với việc tuyên truyền Nghị định 52, giúp người dân hình thành thói quen tắt điện thoại trước khi vào cây xăng, hạn chế tối đa những rủi ro xảy ra đối với người và tài sản; cần xử phạt nghiêm theo quy định đối với những trường hợp cố tình vi phạm./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân