Đẩy nhanh tiến độ xóa bỏ các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

07:08, 28/08/2012

Từ nhiều năm nay, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm xóa bỏ các điểm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được rất thấp. Trong chương trình thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta có 6 cơ sở nằm trong danh sách các đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phải khẩn trương xóa bỏ gồm: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP Dệt lụa Nam Định, Cty CP Dây lưới thép Nam Định, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bãi chôn lấp rác xã Lộc Hòa do Cty Môi trường đô thị Nam Định quản lý, kho thuốc bảo vệ thực vật thuộc Cty CP Sát trùng thuốc Việt Nam.

Trạm xử lý nước thải CCN An Xá (TP Nam Định) đã hoàn tất thi công từ lâu nhưng chưa chính thức đưa vào sử dụng do chưa thanh toán đủ vốn do đơn vị thi công.
Trạm xử lý nước thải CCN An Xá (TP Nam Định) đã hoàn tất thi công từ lâu nhưng chưa chính thức đưa vào sử dụng do chưa thanh toán đủ vốn do đơn vị thi công.

Tuy nhiên, đến nay mới có 4 đơn vị hoàn thiện các biện pháp xử lý ô nhiễm, ra khỏi danh sách các đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hai đơn vị còn lại là Cty CP Dệt lụa Nam Định và Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, đến nay vẫn chưa hoàn thiện phương án xử lý. Cả hai đơn vị đều đã được phê duyệt thực hiện phương án di dời ra KCN Hòa Xá (TP Nam Định). Công tác di dời nhà xưởng của Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đã chính thức thực hiện từ năm 2006, Cty CP Dệt lụa Nam Định được thực hiện từ năm 2008, nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay các Cty vẫn chưa hoàn thành việc di dời. Tại Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, dự kiến cuối năm 2012 mới hoàn thiện, đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 1; Nhà máy nhuộm và Nhà máy Động lực (2 đơn vị gây ô nhiễm) dự kiến đến hết quý II năm 2013 mới di chuyển và lắp đặt toàn bộ thiết bị. Tại Cty CP Dệt lụa Nam Định việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy nhuộm (đơn vị phát sinh ô nhiễm), dự kiến đến cuối năm sẽ đi vào hoạt động và đến năm 2013 mới hoàn tất di chuyển Nhà máy nhuộm. Cuối năm 2011, trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, có 17 bệnh viện và trung tâm y tế buộc phải xử lý dứt điểm vào năm 2013. Trong đó có 10 bệnh viện đa khoa của 9 huyện và Thành phố Nam Định; 5 bệnh viện chuyên khoa trên phường Hạ Long và Lộc Hạ (TP Nam Định); Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nam Định và Bệnh viện đa khoa Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). Đến nay, ngành Y tế đã tập trung thi công các công trình xử lý nước thải cho các đơn vị: Bệnh viện Mắt Nam Định, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Lộc, Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Bình, Bệnh viện Đa khoa Xuân Trường, Bệnh viện Đa khoa Giao Thủy... Tuy nhiên số công trình đã hoàn thiện còn ít. Những đơn vị chưa được đầu tư thay thế công trình xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn quy định chủ yếu do còn khó khăn về kinh phí. Tại một số điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu từ hàng chục năm về trước là xã Hoành Sơn (Giao Thủy) và thôn Vạn Diệp xã Nam Phong (TP Nam Định) đến nay mới hoàn tất được các thủ tục và bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu để xử lý theo phương án phê duyệt. Trong hoạt động sản xuất, phát triển làng nghề, có nhiều điểm ô nhiễm tồn tại lâu năm, nhưng mới chỉ có rất ít làng nghề được tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ kinh phí đầu tư cho công tác BVMT một cách tổng thể và bảo đảm duy trì hoạt động lâu dài. Năm 2012, trong tổng số hơn 90 làng nghề trên địa bàn tỉnh, mới có 4 làng nghề được các ngành chức năng xem xét, chuyển danh sách lên Bộ TN và MT xin hỗ trợ kinh phí khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; bao gồm: Làng bún Phong Lộc, phường Cửa Nam (TP Nam Định), làng ươm tơ Cổ Chất xã Phương Định (Trực Ninh), làng sản xuất miến Nam Dương (Nam Trực), làng chế biến hải sản Văn Lâm, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng). Thậm chí có một số công trình dù các ngành chức năng trong tỉnh đã kêu gọi vốn hỗ trợ và đầu tư như: bể xử lý nước thải sau ngâm lắng tre nứa tại làng nghề sơn mài Yên Tiến (Ý Yên), bể xử lý lắng lọc nước thải kim loại tại làng nghề đúc nhôm Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) nhưng cũng chỉ sử dụng được trong giai đoạn mới đầu tư vì không theo kịp tốc độ phát triển về quy mô của các đơn vị xả thải. Tại các khu, CCN, hầu hết đều chưa hoàn thiện các công trình xử lý nước thải. Toàn tỉnh mới chỉ có KCN Hòa Xá,  CCN An Xá (TP Nam Định), CCN Xuân Tiến (Xuân Trường), CCN Yên Xá (Ý Yên) được đầu tư xây dựng nhà máy hoặc trạm xử lý nước thải nhưng hầu hết các công trình này vẫn chưa đưa vào hoạt động chính thức do chưa hoàn trả hết vốn cho đơn vị thi công.

Để đẩy nhanh tiến độ xóa bỏ các điểm ô nhiễm môi trường, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ngành, đoàn thể với các biện pháp hiệu quả và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền để các đơn vị xả thải hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm ngay trước khi phát sinh chất xả thải; đồng thời phải áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trong quá trình xả thải, không để tồn lưu các chất xả thải vì càng để lâu, việc xử lý các chất thải càng phức tạp và tốn kém. Chính quyền các cấp cần tăng cường vai trò quản lý BVMT, đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT. Riêng những trường hợp gây ô nhiễm nghiêm trọng càng phải xử lý kiên quyết. Các đơn vị cố tình vi phạm nhiều lần, không khắc phục... cần yêu cầu đóng cửa, ngừng hoạt động theo đúng quy định của Luật BVMT. Nhằm khắc phục những khó khăn về vốn, tại những công trình được đầu tư để xóa bỏ các điểm ô nhiễm môi trường, các đơn vị xả thải và các ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị tài trợ phải tính toán, cân nhắc kỹ phương án đầu tư, xử lý, bảo đảm các công trình xử lý ô nhiễm môi trường có tuổi thọ lâu dài, sử dụng hiệu quả theo lộ trình phát triển quy mô của đơn vị xả thải. Tại những công trình xoá bỏ ô nhiễm môi trường đã được Nhà nước xây dựng, cần có cơ chế quản lý cụ thể và giao cho địa phương. Các địa phương được tiếp nhận công trình cần xây dựng biện pháp tổng hợp, nhiều mặt từ con người, cơ chế, kinh phí, biện pháp quản lý, sử dụng hợp lý kinh phí đóng góp cho xử lý chất thải của các đơn vị xả thải để vận hành công trình. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất áp dụng công nghệ mới ít gây ô nhiễm và áp dụng chương trình “Sản xuất sạch hơn”./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com