Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

05:08, 25/08/2012

Thời gian qua, cơ cấu kinh tế, lao động trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, song tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp vẫn chiếm đa số. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ… có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Chị Mai Thị Hiến, đội 6 Quyết Tiến- xã Giao Tiến (Giao Thủy) tham gia truyền dạy nghề móc sợi cho lao động nữ ở địa phương. Ảnh: Đức Thiện
Chị Mai Thị Hiến, đội 6 Quyết Tiến- xã Giao Tiến (Giao Thủy) tham gia truyền dạy nghề móc sợi cho lao động nữ ở địa phương. Ảnh: Đức Thiện

Khu vực nông thôn tỉnh ta có lực lượng lao động dồi dào song tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề thấp, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Một bộ phận không nhỏ lao động nữ từ 35 tuổi trở lên ở nông thôn chủ yếu học nghề truyền tay với các nghề thủ công mỹ nghệ. Thực tế những năm qua cho thấy, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu hưng thịnh thì lao động nữ ở nông thôn có việc, thu nhập, nhưng khi thị trường xuất khẩu chững lại, đa số lao động mất việc làm, những trường hợp tìm được công việc khác thì bấp bênh... Một thực trạng khác ở một số vùng nông thôn là nhiều lao động nông nhàn không có việc làm phải ly hương tìm việc ở địa bàn tỉnh ngoài, thu nhập của các hộ dân có thể tăng lên nhưng không ổn định và không có tác dụng tăng trưởng kinh tế địa phương; chưa kể các hệ lụy xã hội về công tác quản lý, các vấn đề xã hội mà địa phương phải đối mặt... Tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng khu vực nông nghiệp, nông thôn không tương ứng với tăng trưởng việc làm ở nông thôn. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp ở nông thôn hiện nay với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp rút ngắn thời gian làm việc cũng như tiết kiệm nhân công, càng làm gia tăng số lượng lao động dư thừa, nông nhàn. Hơn nữa, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, các địa phương đang tập trung cho công cuộc cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dồn điền đổi thửa, xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, tạo tiền đề quan trọng cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Lao động được đào tạo các nghề trong sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu sản xuất hàng hóa. Trong tiến trình xây dựng NTM yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực tế đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nhận thức rõ tầm quan trọng nên tỉnh ta đã khuyến khích, triển khai các lớp tập huấn thông qua các chương trình, dự án. Các trung tâm học tập cộng đồng ở các vùng nông thôn đã có nhiều đóng góp cho nhiệm vụ này, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trong các tiêu chí về xây dựng NTM, tiêu chí về lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm xuống còn 25% (Thời gian tới tiêu chí này sẽ sửa đổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là khoảng 75% lao động nông thôn có việc làm tại địa phương). Tiêu chí này gắn bó mật thiết với các tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế địa phương, nhằm đạt được yêu cầu cốt lõi trong xây dựng NTM là vùng nông thôn hiện đại với nhiều cơ hội phát triển tiên tiến cho người dân song không phải ly hương. Để thực hiện được các yêu cầu đó, cùng với các giải pháp đồng bộ khác, việc tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một biện pháp quan trọng. Việc đào tạo nghề phải đảm bảo yêu cầu người lao động có tay nghề vững, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Trong đó, có công tác điều tra phân loại nguồn lao động theo giới tính, độ tuổi để có định hướng đào tạo thích hợp. Ngoài ra, công tác điều tra biến động lao động ở địa bàn, lao động doanh nghiệp hằng năm, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp cho lao động nông thôn. Trong quá trình điều tra, xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn cũng cần chú trọng công tác tư vấn cho người lao động trên cơ sở thông tin dự báo về tình hình thị trường lao động, xu hướng phát triển, đầu tư của các doanh nghiệp về địa bàn nông thôn. Hiện tại trên địa bàn tỉnh ta có nhiều làng nghề phát triển mạnh, nhưng hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa được quan tâm đúng mức; mối liên kết vùng miền trong phân công lao động chưa được chặt chẽ, vẫn còn tình trạng xã mở các lớp dạy nghề theo nhu cầu của người dân để có việc làm tại chỗ, trong khi việc làm đó không ổn định. Các xã lân cận với những làng nghề, xã nghề phát triển cần chú trọng liên kết và nắm bắt nhu cầu lao động, việc làm để có kế hoạch, phương hướng tư vấn dạy nghề cho lao động địa phương. Có như vậy, chỉ tiêu về việc làm, cơ cấu lao động trong NTM có điều kiện hiện thực hóa một cách vững chắc./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com