Theo đánh giá của Sở Xây dựng về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thi công xây dựng, những năm qua đa số các công trường đã có tổng mặt bằng được thiết kế và phê duyệt theo quy định, phù hợp với địa điểm xây dựng. Vật tư, vật liệu đã được các đơn vị thi công quan tâm sắp xếp gọn gàng theo đúng thiết kế đã được duyệt. Các nhà thầu cũng chú trọng đến công tác an toàn điện, an toàn cháy nổ; các máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (ATLĐ) đã được đăng ký, đăng kiểm đúng quy định… Tuy nhiên, theo thống kê của ngành LĐ-TB và XH từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, trên địa bàn Thành phố Nam Định đã xảy ra 4 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) tại công trường thi công của Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Trạm bơm Quán Chuột, xã Mỹ Xá và phường Trần Tế Xương.
Kiểm tra an toàn trước khi làm việc. Ảnh minh họa |
Do đặc thù công việc, ngành xây dựng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất ATVSLĐ. Công nhân phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, môi trường làm việc độc hại, nhiều bụi, tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn... thao tác công việc trong tư thế gò bó… ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sức khoẻ của người lao động. Điều kiện làm việc như thế song nhiều nhà thầu vẫn chưa thực sự quan tâm chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm ATVSLĐ, bảo vệ sức khỏe người lao động, hoặc thực hiện mang tính đối phó. Trong khi đó một bộ phận người lao động chủ quan, thờ ơ với sự an toàn của chính mình trong quá trình làm việc. Phần lớn lao động trên công trường là lao động phổ thông thời vụ, tay nghề hạn chế, không được hướng dẫn, tập huấn đầy đủ về ATVSLĐ, không được kiểm tra sức khỏe định kỳ… Cán bộ Phòng Quản lý chất lượng công trình (Sở Xây dựng) cho biết, trong hồ sơ biện pháp thi công của nhà thầu trình duyệt bao giờ cũng có nội dung về biện pháp bảo đảm ATVSLĐ nhưng khi tiến hành thi công thì việc thực thi nội dung này còn hạn chế. Tình trạng phổ biến hiện nay là các chủ thầu ký hợp đồng với các đội, tổ thi công từng phần việc, tuy cũng có các điều khoản về bảo đảm ATVSLĐ song việc thực thi thế nào thì phó mặc cho các tổ, đội trưởng. Do vậy, nhiều người lao động không được trang bị bảo hộ lao động. Chủ sử dụng lao động thì cho rằng: vì lao động thời vụ nên nếu trang bị bảo hộ lao động dù chỉ tối thiểu là quần áo, giầy, mũ, găng tay thì khi người lao động nghỉ việc đơn vị sẽ mất, lại phải đầu tư cho lao động mới thay thế, chi phí sẽ đội lên cao(?!). Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều quy định liên quan đến ATLĐ, nhưng nhiều cơ sở sử dụng lao động chưa tuân thủ, nhất là việc khai báo TNLĐ. Các vụ TNLĐ chết người xảy ra chỉ được khai báo khi người bị tai nạn có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc doanh nghiệp không thể che giấu được... Các tai nạn gây thương tích cho người lao động hầu như được giải quyết “nội bộ” ở các tổ, đội trực tiếp quản lý lao động nên nhiều quyền lợi của người lao động bị bỏ qua.
Trong Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã quyết định dành 700 tỷ đồng đầu tư cho công tác ATLĐ nhằm giảm 5% số vụ TNLĐ dẫn đến chết người trong các ngành khai khoáng, xây dựng, sử dụng điện, cơ khí và hóa chất. Đồng thời giảm 10% người lao động mắc bệnh nghề nghiệp; 80% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ mắc bệnh cao được khám bệnh. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt chương trình ATVSLĐ của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Thời gian qua, Sở Xây dựng đã có nhiều công văn yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn triển khai thực hiện các quy định của Bộ Xây dựng về công tác bảo đảm ATVSLĐ. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thực tiễn, ngành cần có những hoạt động, biện pháp quyết liệt hơn. Nghị định 23 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, với các vi phạm về ATVSLĐ có thể bị phạt hàng chục triệu đồng song trên thực tế các vi phạm này khi bị phát hiện thường dừng ở nhắc nhở, chấn chỉnh, chủ yếu xử phạt vi phạm về chất lượng công trình… Tới đây, ngành Xây dựng cần có giải pháp quyết liệt để các quy định của Bộ Xây dựng về bảo đảm ATVSLĐ được thực thi nghiêm túc như: các đơn vị có từ 300 đến dưới 1.000 lao động, doanh nghiệp thi công trên nhiều địa bàn phải có ít nhất từ 2 đến 3 cán bộ làm công tác ATVSLĐ. Các đơn vị phải tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động đúng quy định của Nhà nước, tuyệt đối không được sử dụng lao động không đủ sức khoẻ, lao động hợp đồng thời vụ, lao động không qua đào tạo nghề vào làm việc ở những vị trí nguy hiểm như tháo lắp giàn giáo, làm việc trên các công trình cao tầng, hầm sâu, giếng chìm… Hợp đồng lao động phải được giao kết trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động; trong đó quy định đầy đủ, rõ ràng các nội dung về tiền lương, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động, trong đó có trách nhiệm về ATLĐ. Các đơn vị phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về công tác ATVSLĐ cho người lao động, đồng thời trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo chất lượng, phù hợp với công việc của từng người trong khi làm việc. Có biện pháp bảo đảm ATLĐ chi tiết đối với từng loại công việc, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải tổ chức huấn luyện cho người lao động trước khi giao việc; có đầy đủ sổ theo dõi công tác huấn luyện ATLĐ, sổ giao việc, nhật ký ATLĐ, sổ theo dõi việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân… và ghi chép hằng ngày tại công trình đang thi công. Đối với các công trình có nhiều nhà thầu phụ cùng thi công, phải thành lập ban chỉ huy thống nhất và xây dựng quy chế phối hợp trong công tác ATVSLĐ, đồng thời thực hiện chế độ tự kiểm tra, hằng ngày báo cáo tình hình ATLĐ cho ban chỉ huy công trình…
Vân Anh