Sử dụng hiệu quả kỳ thực tập

07:08, 10/08/2012

Chị Hương là lãnh đạo một doanh nghiệp kể: Một hôm, cô cháu gái đang học chuyên ngành kế toán năm cuối ở một trường đại học (hệ liên thông) đến chơi, mang theo tập tài liệu nhờ chị xác nhận kết quả thực tập. Chị xem nội dung tài liệu, rồi ngạc nhiên hỏi: nội dung này có phù hợp với doanh nghiệp của cô đâu mà cháu nhờ cô xác nhận? Sao cháu không đến thực tập?

- Cô ơi, lớp cháu ai cũng làm thế mà, có ai kiểm tra xem học sinh thực tập thế nào đâu, miễn là có xác nhận của đơn vị tiếp nhận thực tập.

- Thế 3 tháng thực tập thì cháu làm gì?

- Cháu đi học thêm ngoại ngữ, tin học. Đằng nào bố mẹ cháu cũng xin cho cháu vào cơ quan rồi, cháu chỉ cần tập trung lo thi tốt nghiệp lấy cái bằng “đẹp” thôi mà cô.

Tận dụng tốt thời gian thực tập, khi ra trường, đi xin việc làm, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tốt vượt qua các cuộc phỏng vấn vì đã được rèn luyện tâm lý cũng như có phông kiến thức cả về chuyên môn và ứng xử, giao tiếp tốt hơn
Tận dụng tốt thời gian thực tập, khi đi xin việc làm, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tốt vượt qua các cuộc phỏng vấn . Ảnh: Internet

Nghe cháu nói thế chị Hương cũng thấy băn khoăn, nhưng chả lẽ lại không giúp cháu, “trèo cây sắp đến ngày hái quả”(?!). Nhận lời giúp để cô cháu yên tâm rồi chị mới nói: các cháu làm thế này thì quá lãng phí kỳ thực tập. Trong 3 tháng đó, các cháu đâu chỉ thực tập công việc chuyên môn, mà còn rất nhiều điều chưa được học trong nhà trường các cháu có thể học được. Nghe chị Hương nói thế, cháu chị cố vớt vát lý do:

- Nhưng mà cô ơi, các anh chị lớp trên với mấy bạn lớp cháu nói có đến nơi thực tập thì cũng có được làm gì đâu, toàn pha trà, dọn vệ sinh, chờ sai vặt, ngồi loanh quanh, hết giờ thì về. Vì các cơ quan ấy đều không muốn lộ thông tin nội bộ mà. Cháu để ý chỉ những người học về ngành kỹ thuật may ra đi thực tập mới được làm công việc chuyên môn.

- Tất nhiên có thể có tình trạng đó. Nhưng các đơn vị nếu đã đồng ý tiếp nhận sinh viên thực tập thì đều phải có kế hoạch sắp xếp công việc. Vấn đề là sinh viên đến thực tập thể hiện nguyện vọng và ý thức trách nhiệm công việc như thế nào với cơ sở đến thực tập để tạo niềm tin. Có lẽ vì các cháu đi học chỉ để có bằng cho đủ điều kiện xin việc nên mới có suy nghĩ thế. Như vậy thì quá lãng phí thời gian, của cải, mà đến lúc đi làm lại mất rất nhiều cơ hội phát triển.

Các sinh viên năng động thường có kế hoạch chuẩn bị cho kỳ thực tập từ sớm, tìm kiếm thông tin, địa chỉ thông qua những ngày hội việc làm, nhờ các mối quan hệ hoặc tìm trên mạng internet. Qua đó cũng định hướng được nội dung chuyên môn cần thực tập và viết báo cáo thực tập. Quá trình liên hệ thực tập cũng là một lần “thực tập” các kỹ năng mềm cần có cho sinh viên chuẩn bị ra trường và đi xin việc, đó là các kỹ năng tiếp cận mục tiêu, công việc, kỹ năng trình bày, thuyết phục… Cho nên nhiều sinh viên sau khi thực tập có thể có cơ hội việc làm tại nơi đó. Tất cả các sinh viên đều có cơ hội, quan trọng là sự cố gắng và nỗ lực của mỗi người. Không nên có thái độ hời hợt, dựa dẫm hay coi đây là một dịp nghỉ ngơi. Nhiều sinh viên dựa vào các công ty là cơ quan “người nhà”, coi việc đi thực tập là dịp để rong chơi thoải mái, đến đơn vị với thái độ thiếu cầu thị, khiêm tốn, vào thực tập thì với tư tưởng “sĩ quan” khiến rất nhiều công nhân lẫn người hướng dẫn không hài lòng và hậu quả là sinh viên đó cũng chẳng học được điều gì về kinh nghiệm thực tế. Để tránh nhàm chán vì “bưng trà, rót nước” hoặc bị sai vặt, trở thành người thừa, trước khi đi thực tập sinh viên phải tìm hiểu thông tin đa dạng như trách nhiệm công việc hằng ngày của bạn khi đến thực tập là gì? Điều gì là ưu tiên chính trong công việc, mối quan hệ với các phòng, ban, bộ phận khác thế nào? Tức là sinh viên phải có sự chuẩn bị tốt không chỉ kiến thức chuyên môn mà cả tâm lý, ý thức, thái độ tích cực, nhiệt tình. Một loạt các kỹ năng sinh viên phải tự học và tích lũy như: kỹ năng hòa hợp, cách trình bày quan điểm về những vấn đề còn đang tranh cãi, cách trò chuyện, cũng như nghệ thuật đưa ra phản hồi về hiệu quả công việc. Đó là sự lắng nghe, chung sức, chia sẻ và biết tôn trọng, kỹ năng làm việc chung trong nhóm… Tận dụng tốt thời gian thực tập, khi ra trường, đi xin việc làm, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tốt vượt qua các cuộc phỏng vấn vì đã được rèn luyện tâm lý cũng như có phông kiến thức cả về chuyên môn và ứng xử, giao tiếp tốt hơn, khi vào làm việc cũng sẽ không mất nhiều thời gian để tiếp cận công việc, sớm có cơ hội để khẳng định năng lực bản thân. Nhất là trong điều kiện hiện tại thị trường lao động cạnh tranh ngày càng gay gắt, quyết liệt./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com