Phòng, chống tai nạn thương tích trong các nhà trường: Vấn đề cần quan tâm

06:08, 18/08/2012

Chị Thủy ở phố Hai Bà Trưng có con học tại Trường Mầm non S (TP Nam Định). Mặc dù đây là trường điểm trong 29 trường mầm non của thành phố nhưng con chị đã không dưới 3 lần bị "bươu đầu, mẻ trán" tại lớp học do chạy nhảy, xô đẩy, bị trơn trượt, rồi bị dằm gỗ đâm vào tay... Còn chị Hương, đường Trần Huy Liệu có con gái học lớp 1, Trường Tiểu học T (TP Nam Định) phàn nàn đã không dưới hai lần chị đón con trong tình trạng con bị xây xước chân tay, trẹo vai... do bị các anh chị lớp 5 chạy nhảy, đùa nghịch va phải, xô ngã trong giờ ra chơi. Thực trạng nêu trên cảnh báo nguy cơ tai nạn thương tích (TNTT) đối với học sinh các bậc học mầm non và tiểu học. Có rất nhiều lý do dẫn đến TNTT cho các em, đặc biệt là học sinh các bậc học mầm non, tiểu học - lứa tuổi mà các em chưa biết tự bảo vệ mình. Những nguyên nhân gây TNTT thường là do ngã khi đang chơi trò chơi, xô đẩy nhau ở cầu thang, hành lang, sân trường, leo trèo hoặc do sân, hành lang ướt, trơn trượt... Còn đối với các em học sinh THCS, THPT... thì mối nguy hiểm, sự phức tạp còn lớn hơn nhiều khi một bộ phận học sinh “thích” gây gổ, đánh nhau trong trường học dẫn đến bị thương tích ở nhiều mức độ khác nhau, không ít trường hợp để lại hậu quả nặng nề cho bản thân và gia đình.

Bảo vệ học sinh bằng cách dùng rào chắn tại ao hồ để phòng đuối nước tại Trường Tiểu học xã Nam Thái (Nam Trực).
Bảo vệ học sinh bằng cách dùng rào chắn tại ao hồ để phòng đuối nước tại Trường Tiểu học xã Nam Thái (Nam Trực).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 260 trường mầm non, 290 trường tiểu học, 246 trường THCS, 56 trường THPT, 16 trung tâm giáo dục thường xuyên và gần 20 trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, đào tạo nghề với gần 25 nghìn cán bộ, giáo viên và hơn 500 nghìn học sinh, sinh viên. Phòng, chống TNTT để có trường học an toàn là một trong những tiền đề quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, công tác đảm bảo an toàn trường học nhằm bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của học sinh, đảm bảo hiệu quả các hoạt động giáo dục của các nhà trường là nhiệm vụ quan trọng. Nhiều năm qua, Sở GD và ĐT, các đơn vị giáo dục và các trường đều kiện toàn Ban chỉ đạo an toàn trường học, đề ra kế hoạch xây dựng phong trào an toàn trường học theo hướng "tự quản, tự phòng, tự bảo vệ" để phòng tránh các TNTT, nhằm tạo ra môi trường học tập an toàn cho các em. Cụ thể như: phòng ngã bằng việc củng cố cơ sở vật chất của trường; phòng ngừa đánh nhau bằng việc giáo dục ý thức cho các em không được gây gổ, đánh nhau; phòng ngừa tai nạn giao thông bằng việc trường phải có cổng, hàng rào, cắm biển báo có trường học và hướng dẫn học sinh chấp hành các quy định về an toàn giao thông; phòng ngừa bỏng, nhiễm độc bằng việc quy định phòng học, phòng thí nghiệm và các phòng chức năng khác phải có nội quy hướng dẫn sử dụng an toàn hóa chất, an toàn điện cho các em; phòng ngừa ngộ độc thức ăn bằng quy định cấm bán rong trước cổng trường, các loại thực phẩm và thức ăn do nhà bếp của trường chọn và nấu, nước uống phải đảm bảo vệ sinh. Sở GD và ĐT còn ban hành văn bản hướng dẫn các trường tăng cường phối hợp đảm bảo an toàn trường học như công tác phòng cháy, chữa cháy; ngăn ngừa từ xa tình trạng học sinh đánh nhau; tổ chức tốt công tác trực ban, bảo vệ nhằm bảo đảm an ninh, trật tự trường học và sẵn sàng phối hợp xử lý khi có vụ việc liên quan đến nhà trường. Bên cạnh đó, các trường chủ động phối hợp với chính quyền và công an địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học. Trong các biện pháp, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức luôn được coi trọng. Các đơn vị giáo dục cơ sở, ban giám hiệu, ban chỉ đạo các nhà trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh về công tác xây dựng phong trào an toàn trường học theo hướng "Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ" và xây dựng mô hình "3 giỏi, 2 vững mạnh" về an ninh trật tự, tác hại của tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực trong học sinh, sinh viên. Qua đó vận động cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia phong trào xây dựng trường, lớp an toàn. Công tác tuyên truyền còn được đẩy mạnh thông qua các đợt học tập đầu khóa, hoạt động ngoại khóa, tuần lễ hoạt động của học sinh, sinh viên, qua các buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi biểu diễn văn nghệ, các buổi lễ chào cờ sáng thứ hai hằng tuần. Các đội "Sao đỏ", "Thanh, thiếu niên tự quản", "Thanh niên xung kích", "Đội an ninh học đường" được thành lập trong các lớp học, trường học. Hoạt động của các tổ chức này cùng với các hoạt động tự quản của chi đội, chi đoàn đã tạo nên phong trào sâu rộng trong học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao hiệu quả của phong trào an toàn trường học, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, phòng chống bạo lực học đường. Phong trào xây dựng trường, lớp an toàn không có tệ nạn ma túy, an toàn trong giao thông được phát triển và nhân rộng trên địa bàn tỉnh nên tình hình TNTT, tình trạng đánh nhau, vi phạm giao thông, tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã được ngăn chặn. Điển hình trong phong trào là các Trường: THCS Nam Hồng (Nam Trực), THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định), THPT Giao Thủy (Giao Thủy), THPT Hải Hậu A, THPT Hải Hậu C (Hải Hậu), THPT Mỹ Tho (Ý Yên), Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Định, Cao đẳng Xây dựng Nam Định, Đại học Điều dưỡng Nam Định... Đạt được kết quả trên, cùng với sự chỉ đạo tích cực của ngành GD và ĐT, các nhà trường đã tập trung củng cố, xây dựng tổ chức Đoàn, Đội, Hội vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc đảm bảo an toàn, trật tự trường học. Các tổ chức này trở thành nòng cốt trong việc duy trì nền nếp học tập, ý thức tổ chức kỷ luật, góp phần giữ vững an toàn, an ninh trật tự trường học, đồng thời giải quyết kịp thời các mâu thuẫn và ngăn chặn hiệu quả các vụ việc học sinh đánh nhau ở trường. Bên cạnh đó, phong trào an toàn trường học còn có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh, xây dựng lớp học an toàn về trật tự nội vụ. Hằng năm, các trường còn tiến hành rà soát, chấn chỉnh lực lượng bảo vệ, bổ sung quy chế, quy định về sinh hoạt, học tập và quan hệ của học sinh, sinh viên trong nhà trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với công an cơ sở quản lý học sinh, sinh viên và làm trong sạch địa bàn trong, ngoài trường học, ngăn chặn hiệu quả những ảnh hưởng xấu của các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống TNTT, xây dựng trường học an toàn về an ninh trật tự, ngăn ngừa, ngăn chặn tình trạng học sinh, sinh viên đánh nhau ở một số trường học, đơn vị giáo dục chưa được coi trọng. Sự phối hợp giữa nhà trường với công an cơ sở trong phong trào xây dựng an toàn trường học, công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm về ma túy trong học sinh, sinh viên có lúc có nơi chưa chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao. Một số trường học vẫn còn học sinh bỏ học, gây gổ đánh nhau hoặc bỏ học đi chơi internet… Thời gian tới, để làm tốt công tác phòng, chống TNTT trong các nhà trường, Sở GD và ĐT cần tập trung chỉ đạo các trường tăng cường quản lý, điều hành và chủ động phối kết hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy, tội phạm, xây dựng trường học an toàn; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, giáo dục an toàn giao thông, xây dựng trường học an toàn trong hoạt động nội khóa và hoạt động ngoại khóa ở các trường học phù hợp với từng lứa tuổi với nội dung, hình thức phong phú đa dạng và thiết thực. Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả các phong trào trong các nhà trường, gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt" với công tác giữ gìn "An toàn trường học" trong các nhà trường và phong trào xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực". Củng cố và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào bảo đảm an toàn trường học. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống TNTT thông qua tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm, bản tin, phát loa truyền thanh cho học sinh hiểu và nắm bắt được những biện pháp phòng ngừa, phòng chống những TNTT có thể xảy ra. Xây dựng trường học an toàn, phòng, chống TNTT trên cơ sở các lớp học an toàn, môi trường xung quanh an toàn và các can thiệp phòng chống TNTT có hiệu quả tại trường học./.

Bài và ảnh: Minh thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com