Những điểm mới trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2012

06:08, 18/08/2012

Tiếp tục thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2012, tỉnh có kế hoạch tổ chức khoảng 160 lớp dạy nghề, hỗ trợ kinh phí cho khoảng 5.275 người học nghề, trong đó lao động học nghề nông nghiệp 1.120 người, còn lại là các ngành nghề phi nông nghiệp.

Rút kinh nghiệm sau hai năm đầu triển khai chương trình và thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Đề án 1956 là dạy nghề cho lao động nông thôn không chạy theo số lượng và đặc biệt ưu tiên cho các xã xây dựng NTM, năm nay kế hoạch và định mức hỗ trợ của tỉnh có một số thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Nhóm nghề nông nghiệp được chuyển cho Sở NN và PTNT tổ chức triển khai để bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sản xuất của các địa phương và của ngành, giúp người lao động lựa chọn đúng nghề để học. Đối với các nghề phi nông nghiệp, một số nghề được nâng cao mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng bảo đảm đủ chi phí cho người học nghề học đủ các nội dung cơ bản của nghề như: nghề thúc dát đồng mỹ nghệ, mộc mỹ nghệ, kỹ thuật điêu khắc gỗ, hàn, tiện, nguội, điện công nghiệp… Đối với những nghề có chi phí toàn khóa cao hơn mức hỗ trợ, nếu học viên có nhu cầu học đủ chương trình thì phải nộp thêm phần chênh lệch. Riêng nghề lái xe ô tô hạng B2 và điều khiển phương tiện thủy nội địa, học viên bắt buộc phải học đủ chương trình và nộp đủ phần chênh lệch học phí giữa mức hỗ trợ của nhà nước và chi phí đào tạo toàn khóa. Mỗi lao động nông thôn chỉ được hỗ trợ học nghề một lần theo chính sách này, kể cả những người đã được hỗ trợ dạy nghề theo các chương trình khác. Tuy nhiên, với những người đã được hỗ trợ học nghề nhưng lại mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì UBND cấp xã tổng hợp báo cáo Phòng LĐ-TB và XH. Phòng LĐ-TB và XH tổng hợp trình Sở LĐ-TB và XH xem xét quyết định hỗ trợ để chuyển đổi nghề nhưng tối đa không quá 3 lần. Về đối tượng hỗ trợ, vẫn tiếp tục ưu tiên lao động nông thôn thuộc diện chính sách ưu đãi người có công, người tàn tật, lao động nữ, lao động ở 96 xã, thị trấn đang triển khai xây dựng NTM và ba xã của huyện Vụ Bản có đất canh tác đã thu hồi phục vụ xây dựng KCN.

Lớp dạy nghề may công nghiệp do Trung tâm dạy nghề Nam Trực mở tại xã Nam Thanh. Ảnh: Trung tâm Dạy nghề Nam Trực
Lớp dạy nghề may công nghiệp do Trung tâm dạy nghề Nam Trực mở tại xã Nam Thanh. Ảnh: Trung tâm Dạy nghề Nam Trực

Năm nay, do nguồn kinh phí đào tạo nghề từ Trung ương phân bổ chậm, đến giữa năm tỉnh mới có thể ban hành kế hoạch đào tạo nghề của cả năm. Do vậy, để hoàn thành kế hoạch mở khoảng 160 lớp trong các tháng cuối năm đảm bảo đúng các yêu cầu mục tiêu của đề án, đòi hỏi các cơ quan hữu quan phải tập trung thực hiện. Trên cơ sở mức hỗ trợ học nghề đã được UBND tỉnh phê duyệt, và nhu cầu học nghề đã đăng ký của các địa phương, Sở LĐ-TB và XH đã chủ động trình UBND tỉnh cho phép tiến hành ký hợp đồng với các cơ sở dạy nghề và các địa phương để triển khai sớm một số nghề đủ điều kiện. Do vậy, đến hết tháng 7-2012 đã có trên 30 lớp dạy nghề đã được mở ở các huyện, thành phố, đáp ứng kịp thời yêu cầu học nghề của người lao động cũng như kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Trong đó, Trường Trung cấp nghề số 8 (Tổng LĐLĐ) mở 3 lớp, Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh 3 lớp, Trung tâm dạy nghề Xuân Trường 3 lớp, Trung tâm dạy nghề huyện Nam Trực 3 lớp, Trường Trung cấp nghề thương mại và du lịch Nam Định 4 lớp, Trung tâm dạy nghề huyện Hải Hậu 4 lớp… Để hoàn thành kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2012, các cơ quan quản lý phải tăng cường trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát việc tổ chức lớp để bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước cho lao động nông thôn được sử dụng đúng mục đích, giúp trang bị nghề cho những lao động nông thôn có nhu cầu học nghề để tìm việc làm, góp phần thực hiện nhóm tiêu chí về thu nhập và cơ cấu lao động ở các xã xây dựng NTM. Một vấn đề nữa đặt ra là việc ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề cho người tàn tật vẫn khó mở rộng vì các cơ sở dạy nghề không được trang bị những điều kiện cần thiết để có thể tiếp nhận người tàn tật học nghề. Như vậy, chỉ những người có mức độ khuyết tật nhẹ, hoặc người tàn tật muốn học nghề thì phải đăng ký ở các cơ sở chuyên biệt./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com