Kết quả bước đầu thực hiện Đề án kiểm soát và nâng cao chất lượng dân số vùng biển ở Giao Thuỷ

07:08, 07/08/2012

Đề án kiểm soát dân số các vùng biển đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020 (Đề án 52) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9-4-2009 nhằm tăng cường việc kiểm soát biến động dân số, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ vùng biển. Ở tỉnh ta, Giao Thuỷ là một trong 3 huyện ven biển được triển khai thực hiện đề án.

Cán bộ Đồn Biên phòng 84 (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) tuyên truyền về Dân số - KHHGĐ.
Cán bộ Đồn Biên phòng 84 (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) tuyên truyền về Dân số - KHHGĐ.

Căn cứ vào các nội dung của đề án, hằng năm tiểu ban quản lý đề án huyện Giao Thuỷ giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện. Tại 9 xã: Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Thiện, Giao Hải, Giao Long, Giao Phong, Bạch Long, Thị trấn Quất Lâm, các nội dung của đề án được triển khai tới các chi bộ cơ sở và phổ biến rộng rãi đến cán bộ đảng viên và nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng. Một số mô hình đặc thù vùng ven biển như: mô hình chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ là công nhân các xí nghiệp muối, công nhân nông trường Bạch Long… được xây dựng và đưa vào hoạt động. Ngoài việc tuyên truyền các nội dung của đề án qua các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ hằng năm, Đài PT-TH huyện duy trì phát sóng mỗi tuần một chuyên mục tuyên truyền về Đề án 52. Một số xã thành lập đội tuyên truyền lưu động, dựng panô, khẩu hiệu, đồng thời huy động đội ngũ cộng tác viên dân số, các ban, ngành, đoàn thể của xóm đội cùng tham gia vận động tuyên truyền các nội dung của đề án đến các nhóm đối tượng. Đội ngũ cán bộ dân số tổ chức sinh hoạt nhóm, sinh hoạt CLB, giáo dục đồng đẳng, tư vấn trực tiếp và tư vấn tại cộng đồng để cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng thực hành các biện pháp phòng chống bệnh phụ khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục cho nhóm phụ nữ từ 15-24 tuổi chưa kết hôn tại các xã ven biển, khu du lịch, âu thuyền, cảng cá, bến cá. Cùng với đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động, trong khuôn khổ của đề án, đội y tế lưu động của huyện được thành lập gồm 4 bác sỹ, 2 kỹ thuật viên và 22 nữ hộ sinh của các trạm y tế xã, thị trấn hằng năm tổ chức từ 2 đến 4 lần tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em - KHHGĐ tại các xã, thị trấn trong huyện, các cơ sở sản xuất muối, nông trường Bạch Long. Trong 3 năm (2009-2011), đội y tế lưu động đã tổ chức tư vấn, khám cho hơn 49 nghìn lượt người, điều trị cho 28.536 ca, chuyển 912 lượt người khám và điều trị tuyến trên; tổ chức khám thai và tư vấn cho các bà mẹ mang thai được 27.536 lượt; tổ chức khám, phát hiện sớm và điều trị các bệnh đường sinh sản cho 9.216 lượt phụ nữ… Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, một số dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ được cung cấp thường xuyên, các đối tượng được tiếp cận dịch vụ tốt hơn, tạo được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trong vùng. Đặc biệt các dịch vụ khám, tư vấn, điều trị bệnh phụ khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục, các buổi truyền thông cho đối tượng đang mang thai, làm mẹ an toàn đã nâng cao hiểu biết về sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số. Việc triển khai thực hiện Đề án 52 còn góp phần kiểm soát, đáp ứng nhu cầu thông tin về dân số vùng biển. Hằng tháng, cộng tác viên dân số đều thu thập, cập nhật thông tin như: người mới sinh, mới đến, hộ gia đình mới, thay đổi họ tên, tình trạng hôn nhân, thay đổi biện pháp tránh thai… gửi lên Trung tâm dân số - KHHGĐ huyện để tổ chức quản lý, khai thác và cung cấp thông tin. Căn cứ sơ đồ địa bàn hộ gia đình, Trung tâm dân số - KHHGĐ huyện phối hợp với ban dân số KHHGĐ xã tổ chức truyền tin bằng giao dịch điện tử đến các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, huyện Giao Thuỷ còn gặp một số khó khăn. Đội y tế lưu động đa số là bác sỹ phụ trách công tác khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế nên khi được huy động các thành viên gặp khó khăn về thời gian, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của đối tượng đến khám và tư vấn; thiếu các trang thiết bị cần thiết như: máy xét nghiệm nước tiểu, kính hiển vi, máy siêu âm… cho hoạt động của đội. Mặt khác, do đặc thù nghề nghiệp, nam giới thường xuyên đi đánh bắt xa bờ nên khó tuyên truyền vận động, trong khi những nội dung của đề án chưa chú trọng đến đối tượng này. Ngoài ra, huyện Giao Thuỷ có hai làng chài tại cửa sông Ba Lạt và khu vực Cồn Lu, Cồn Ngạn phương tiện đi lại chưa thuận tiện, nên hằng năm chỉ tổ chức được 1-2 đợt tuyên truyền, vận động. Ngoài ra, nông trường Bạch Long với khoảng 2.000 khẩu là vùng giáp biển nên gần 600 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa được quan tâm chăm sóc thường xuyên về sức khoẻ sinh sản KHHGĐ…

Để góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình dân số KHHGĐ về nâng cao chất lượng dân số vùng biển, thời gian tới huyện Giao Thuỷ tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung của Đề án 52; phối hợp với Đồn Biên phòng 84 và Đồn Biên phòng 88 tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân vùng ven biển về chính sách dân số KHHGĐ của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh vận động và đưa các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ làm nghề chài lưới áp dụng các biện pháp KHHGĐ./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com