Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 40 nghìn người là cựu chiến binh bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, trong đó có 12.358 người đang được hưởng chế độ. Số gia đình có từ 1 đến 4 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin là gần 11 nghìn người. Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh đã tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin cả về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện để các nạn nhân phát huy truyền thống, nỗ lực vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng. Các cấp Hội trong tỉnh đã vận động các nguồn tài trợ, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh đóng góp, hỗ trợ người nhiễm chất độc da cam. Trong hơn 6 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã quyên góp được 6 tỷ 485 triệu đồng để xây dựng 159 ngôi nhà tình nghĩa với tổng số tiền 1 tỷ 71 triệu đồng; hỗ trợ vốn cho 327 hộ gia đình phát triển chăn nuôi, tăng gia sản xuất với số tiền 1 tỷ 368 triệu đồng; tặng quà nhân dịp “Ngày vì Nạn nhân chất độc da cam” và các dịp lễ, tết hằng năm cho 22.477 lượt người với số tiền 2 tỷ 507 triệu đồng; hỗ trợ phương tiện đi lại cho 1.666 nạn nhân với số tiền 538,8 triệu đồng. Hội đã phối hợp với Sở Y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc cho 540 lượt người, với trị giá hơn 122 triệu đồng; cấp học bổng cho 90 trường hợp là con em các gia đình nạn nhân chất độc da cam vượt khó, học giỏi; trợ cấp khó khăn đột xuất cho 203 lượt nạn nhân… Ngoài ra, thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh, Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm đi-ô-xin tại Pháp (VNED) nhận đỡ đầu cho 6 cháu là con em nạn nhân chất độc hóa học dưới 16 tuổi trên địa bàn tỉnh trong 3 năm liền với mức trợ cấp 300 nghìn đồng/người/tháng. Một trong những đơn vị tích cực ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam là Cty CP May Sông Hồng. 6 năm qua, mỗi năm Cty ủng hộ từ 80-100 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh như: Bộ CHQS tỉnh, Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học tỉnh… đã ủng hộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin.
Đại diện Quỹ CCB Mỹ thăm và làm việc với Tỉnh hội năm 2011. Ảnh: Do Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh cung cấp |
Được sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng xã hội, đã có nhiều nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như anh Phạm Đình Hùng, sinh năm 1977, ở xã Nam Vân (TP Nam Định) là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Hùng tập trung phát triển chăn nuôi nuôi bò và vịt, đầu tư thuê ao thả cá theo mô hình kinh tế trang trại. Qua 7 năm phấn đấu, đến nay gia đình anh Hùng đã có 6 sào ao thả cá, 2 sào ruộng cấy, 5 con bò và 300 con vịt đẻ trứng, mỗi năm gia đình anh có nguồn thu từ 50-70 triệu đồng. Anh Nguyễn Huy Hoàng, sinh năm 1984 ở phường Văn Miếu (TP Nam Định), do bị di chứng chất độc da cam nên cánh tay phải bị teo. Vượt lên mặc cảm và nỗi đau thể xác, anh Hoàng luôn phấn đấu học tập và đã tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Trở về gia đình, được bố mẹ hỗ trợ, anh Hoàng đã thành lập Cty TNHH Công nghệ Cuộc sống, chuyên thiết kế website và cung cấp các phần mềm tin học. Đến nay, anh đã có hàng chục khách hàng thường xuyên tại Thành phố Nam Định và các địa phương lân cận. Anh còn dạy một số người khuyết tật có nhu cầu học tin học, giúp họ tìm việc làm, thu nhập ổn định. Ngoài ra, anh còn là cộng tác viên tích cực của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh, tham gia kêu gọi tài trợ, thiết kế website cho Tỉnh hội…
Mặc dù nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội song hiện nay cuộc sống của đa số các nạn nhân chất độc da cam vẫn còn nhiều khó khăn. Đồng chí Nguyễn Trung Tính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh cho biết: Để hỗ trợ các nạn nhân da cam vượt qua nỗi đau, Hội đã lập đề án “Giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam trong cuộc sống”. Năm 2012, kỷ niệm 51 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2012), Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh đã có nhiều chương trình hoạt động thiết thực như: Xây dựng 4 ngôi nhà tình nghĩa tặng cho các nạn nhân da cam; tổ chức thăm, tặng quà, khám, chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình nạn nhân; tổ chức giao vốn cho 18 hộ gia đình nạn nhân da cam với tổng số tiền 100 triệu đồng, tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin để nhân rộng các điển hình trong cộng đồng.
Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh tiếp tục cùng với cộng đồng xã hội đồng hành với các nạn nhân chất độc da cam; tập trung xây dựng tổ chức Hội các cấp vững mạnh và là cầu nối xoa dịu nỗi đau da cam./.
Văn Thứ