Trung tâm Dạy nghề Vụ Bản góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn

07:07, 19/07/2012

Chúng tôi đến Cty TNHH Dệt len Nam Thái, Thị trấn Gôi (Vụ Bản) đúng vào thời vụ cấy lúa mùa nên công nhân, người học nghề ở Cty không nhiều, tại xưởng có trên 60 máy nhưng chỉ có khoảng 20 công nhân đang làm việc. Ông Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Cty cho biết: “Việc liên kết giữa Trung tâm dạy nghề huyện với Cty đã tạo nhiều thuận lợi cho cả 2 bên, vừa đảm bảo cho doanh nghiệp về nguồn lao động và đào tạo nghề để Cty thực hiện các kế hoạch kinh doanh, vừa đảm bảo mục tiêu của chương trình đào tạo nghề nông thôn theo Đề án 1956 là học viên có việc làm và thu nhập bằng nghề được đào tạo”.

Học sinh học nghề dệt len tại Cty TNHH Dệt len Nam Thái, Thị trấn Gôi (Vụ Bản).
Học sinh học nghề dệt len tại Cty TNHH Dệt len Nam Thái, Thị trấn Gôi (Vụ Bản).

So với các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề khác như chương trình khuyến công, chương trình dạy nghề theo Đề án 1956 của Chính phủ được người nông dân hưởng ứng. Bởi lẽ với nguồn kinh phí từ đề án, người nông dân hoàn toàn yên tâm khi học nghề vì mọi chi phí trong quá trình đào tạo đều được hỗ trợ. Như với nghề đan bèo tây, để đan một chiếc hộp cần 7 lạng bèo tây, người học nghề có thể sử dụng nguyên liệu tốn hơn, nhưng không bị trừ vào tiền công nên đã tạo được sức hút đối với lao động nông thôn, nhất là lao động nữ. Một “mô hình” phân công lao động khá phổ biến ở địa phương hiện nay là thời gian mùa vụ thì tập trung đông lao động, còn lúc nông nhàn, đàn ông đi làm xa để có thu nhập cao hơn, phụ nữ ở nhà chăm sóc gia đình và tham gia làm các nghề như: may, đan móc sợi với mức thu nhập 70-80 nghìn đồng/ngày, người tay nghề cao có thể đạt 100 nghìn đồng/ngày. Những doanh nghiệp như Cty TNHH Dệt len Nam Thái ngoài khu sản xuất tập trung đều phát triển các vệ tinh tại các địa phương, vừa bảo đảm kế hoạch sản xuất trong các điều kiện thời vụ, vừa giảm tải lao động tập trung tại doanh nghiệp. Quá trình liên kết với Trung tâm dạy nghề huyện đã giúp Cty đào tạo thợ “hạt nhân” tại các xã khác để tổ chức các tổ sản xuất vệ tinh. Đến nay, Cty đã có 3 tổ sản xuất vệ tinh ở các xã Liên Minh (25 máy), xã Kim Thái (10 máy) và ở huyện Ý Yên (10 máy).

Trung tâm Dạy nghề huyện Vụ Bản là một trong số ít Trung tâm dạy nghề cấp huyện của tỉnh đã được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị khá đồng bộ phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương. Hiện nay, mỗi năm Trung tâm thực hiện dạy nghề cho 500-900 lao động. Các nghề chủ yếu là may công nghiệp, thủ công mỹ nghệ: đan móc sợi, mây tre đan, tre nứa ghép, dệt len... Hằng năm, Trung tâm căn cứ vào kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế của huyện, đồng thời liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn để xây dựng kế hoạch đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới đầu tư sản xuất tại địa phương bảo đảm nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trung tâm đã đóng góp tích cực vào việc trang bị nghề cho một bộ phận lao động nông thôn của huyện, nhất là lao động nữ có việc làm lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập mà vẫn kết hợp chăm sóc gia đình.

Để góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay, Trung tâm Dạy nghề Vụ Bản cần tiếp tục nâng cao chất lượng dạy nghề, thường xuyên cập nhật nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn huyện để có kế hoạch hợp lý cho đơn vị cũng như tham mưu với huyện, tư vấn cho các doanh nghiệp trong công tác dạy nghề, tiếp tục giữ vững và phát huy các mối quan hệ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2012 là đào tạo nghề cho khoảng 450 người theo chương trình dạy nghề của huyện. Từ nay đến cuối năm, Trung tâm tập trung thực hiện kế hoạch đào tạo nghề theo Đề án 1956 sau khi được phân bổ kế hoạch cụ thể./.

Bài và ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com