Hè về là dịp trẻ em được nghỉ ngơi và vui chơi sau những tháng ngày học tập căng thẳng. Tuy nhiên, sân chơi cho trẻ trong những ngày hè đang là vấn đề băn khoăn của không ít những bậc phụ huynh. Không phải ngẫu nhiên mà số lượng trẻ em bị tai nạn, thương tích thường tăng đột biến trong dịp hè. Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới thực trạng đáng buồn này là vì chưa có nhiều sân chơi bổ ích, thu hút và phù hợp với trẻ em trong kỳ nghỉ hè.
Hầu hết các điểm vui chơi công cộng cho thiếu nhi đều quanh đi quẩn lại các trò chơi cũ, nhàm chán. |
Trên địa bàn Thành phố Nam Định hiện có các điểm vui chơi dành cho trẻ em là Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu niên, Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố và các CLB thể thao, bơi lội… Hằng năm, tại những địa điểm này có nhiều hình thức hoạt động với các lớp năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật, võ thuật, bơi lội, cầu lông, nghi thức Đội thu hút nhiều em tham gia. Tại những điểm vui chơi này còn thường xuyên tổ chức các hội thi văn nghệ, thể thao, vẽ tranh... Ngoài các điểm vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi, còn có các điểm vui chơi công cộng như hệ thống các sân vận động, các nhà văn hóa, khu vui chơi được xây dựng ở các thôn xóm, xã, phường hằng ngày cũng thu hút khá nhiều thiếu niên, nhi đồng đến với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian… Tuy nhiên, những sân chơi này chưa đáp ứng được nhu cầu cho trẻ em trong những ngày hè. Ở cả khu vực thành thị và nông thôn, điểm vui chơi cho trẻ em luôn ở trong tình trạng thiếu thốn. Vùng nông thôn thường có ưu thế không gian rộng rãi giúp các em có thể tham gia nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao. Tuy nhiên, không phải ở xã nào cũng có điều kiện kinh tế để đầu tư xây dựng khu vui chơi và tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ. Hầu hết các em tự tìm, tự nghĩ cách vui chơi, đó là những trò chơi tắm sông, đá bóng, thả diều mà đã có quá nhiều cảnh báo nguy hiểm đến tính mạng các em. Ở thành phố, những gia đình có điều kiện kinh tế thường cho con tham gia các lớp năng khiếu, đi tham quan du lịch, đến bể bơi, hay các câu lạc bộ… Tuy nhiên, các trung tâm văn hoá, điểm sinh hoạt vui chơi giải trí cho trẻ em đô thị luôn trong tình trạng quá tải. Do thiếu sân chơi, nhiều em chơi bóng trên vỉa hè, rủ nhau đi bơi ở sông, hồ hoặc “nướng” thời gian vào internet để chat, chơi điện tử. Đã có không ít trẻ bị sa đà vào các trò chơi mang tính kích động, bạo lực hoặc có nội dung đồi trụy dễ làm phát sinh ở các em những suy nghĩ tiêu cực, những hành động lệch lạc, thậm chí là vi phạm pháp luật. Các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ tại các nhà văn hóa thiếu nhi cũng chỉ xoay quanh với các lớp bồi dưỡng năng khiếu, luyện chữ đẹp, thi văn nghệ… khiến trẻ có cảm giác như đang bước vào một học kỳ thứ 3 ngay trong dịp hè.
Có nhiều giải pháp để tạo ra những sân chơi bổ ích cho trẻ em trong những ngày hè. Trước hết, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần nhận thức đúng vai trò của hoạt động vui chơi giải trí đối với sự phát triển toàn diện thể chất và tinh thần của trẻ em. Trong quy hoạch xây dựng sân chơi cho trẻ, cần chú trọng nơi vui chơi giải trí lành mạnh, thuận tiện đáp ứng nhu cầu vui chơi của các em. Các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể cần có kế hoạch tập huấn cho các cán bộ Đoàn, Đội để tổ chức các hoạt động hè phong phú, hấp dẫn ở các địa phương, lôi cuốn trẻ em tham gia. Trên địa bàn thành phố, tại các nhà thiếu nhi, cần tăng cường mở thêm các lớp học năng khiếu cho các em, nhất là tổ chức những lớp học “Trải nghiệm thiên nhiên” cho trẻ em thành phố về vùng nông thôn vừa học tập vừa thư giãn…
Bài và ảnh: Hoa Xuân