Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, với bản lĩnh và phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”, nhiều thương binh là nạn nhân chất độc da cam/điôxin trên địa bàn tỉnh đã vượt qua nỗi đau thể xác và nỗi đau tinh thần, vươn lên trong cuộc sống.
Cựu chiến binh Phạm Hồng Phong, Giám đốc Cty CP Cơ khí đúc 27-7 (Ý Yên). |
Thương binh Phạm Hồng Phong (SN 1951) ở Thị trấn Lâm (Ý Yên) được mọi người biết đến như một điển hình về nghị lực phi thường vượt qua những đau đớn mất mát, vươn lên làm chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Năm 1972, anh lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng và Tây Nguyên, sau đó chuyển tiếp vào chiến trường Tây Ninh và biên giới Tây Nam. Năm 1977, trong một lần về phép, anh lập gia đình, rồi quay trở lại đơn vị tiếp tục vai trò người sửa chữa vũ khí, quân dụng. Đến năm 1981, anh chị sinh được một cháu trai nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì cháu bé bị mắc bệnh hiểm nghèo, thường xuyên bị những cơn co giật, hai năm sau thì mất. Năm 1983, anh được chuyển ngành về làm việc tại Sở LĐ-TB và XH, sau đó về Xí nghiệp thương binh 27-7 huyện Ý Yên (sau đổi thành Cty đúc 27-7 rồi Cty CP Cơ khí đúc 27-7 hiện nay). Những năm sau, anh chị sinh thêm 3 người con nhưng các con anh đều bị những triệu chứng như người con đầu và hai người con trai lại lần lượt ra đi, còn lại một cháu gái thì mang trong mình những dị tật do chất độc da cam gây ra. Bản thân anh lại thường xuyên đau yếu, sức khỏe bị giảm sút… Anh tâm sự: “Không nỗi đau nào sánh bằng nỗi đau về tinh thần, thể xác khi mang trong mình chất độc da cam/điôxin! Tôi đã phải chứng kiến các con của mình chịu đựng những cơn co giật đau đớn khủng khiếp vì bị nhiễm chất độc da cam và chứng kiến 3 con trai lần lượt ra đi. Cuộc đời ngắn ngủi của các cháu không có một nụ cười, chỉ có những đau đớn và nước mắt”. Vượt lên nỗi đau đớn ấy, với cương vị người đứng đầu doanh nghiệp, anh luôn phát huy phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”, đưa Cty vượt qua khó khăn để phát triển. Đến nay Cty đã sản xuất được các sản phẩm đúc đồng, thép, gang, nhôm và gia công, mỗi năm hàng trăm tấn sản phẩm các loại, thường xuyên tạo việc làm, thu nhập cho 50-60 lao động. Cty CP Cơ khí đúc 27-7 Ý Yên đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh tặng Bằng khen, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì...
Cùng mang nỗi đau da cam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin xã Trực Chính (Trực Ninh) Đinh Văn Quang cũng là một tấm gương sáng về khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng kinh tế gia đình. Tháng 8-1967, anh Quang lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 9, Quân khu Trị Thiên Huế. Những năm tháng chiến đấu tại chiến trường ác liệt này, anh đã bị nhiễm chất độc hóa học điôxin. Sau này lập gia đình, sinh con, CCB Đinh Văn Quang càng thấm thía hơn nỗi đau do chất độc da cam/điôxin gây ra. Ông kể: Năm đầu tiên các cháu đều kháu khỉnh, phát triển bình thường nhưng tới năm thứ 2 bắt đầu bị những triệu chứng cơn co giật, rồi đầu các cháu cứ to dần rồi chỉ được 2-3 tuổi thì mất… Sinh được 7 người con nhưng ông đã mất đi 5 con (3 trai, 2 gái), còn lại hai cô con gái đều mang trong mình di chứng chất độc da cam quanh năm phải dùng thuốc để kìm hãm sự phát triển của bệnh. Năm nay, ông Quang đã 65 tuổi nhưng ngoài làm ruộng, hằng ngày ông vẫn cần mẫn với hai cái máy dệt gia công, thu nhập mỗi tháng từ 2,5 đến 3 triệu đồng để trang trải phục vụ sinh hoạt của gia đình và thuốc men cho ba bố con.
Vẫn biết còn nhiều khó khăn, nhưng nghị lực của những thương binh, cựu chiến binh luôn sống và làm theo lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, luôn vượt lên nỗi đau da cam, tiếp tục khẳng định mình trong cuộc sống./.
Bài và ảnh: Văn Thứ