Hội Nạn nhân chất độc da cam Vụ Bản: Chăm lo, giúp đỡ hội viên vươn lên trong cuộc sống

07:07, 28/07/2012

Huyện Vụ Bản hiện có 1.070 người bị nhiễm chất độc da cam/điôxin, trong đó có 774 người bị nhiễm trực tiếp do tham gia kháng chiến và 296 người bị nhiễm gián tiếp. Nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/điôxin gặp khó khăn do có người bị ốm đau, bệnh tật, không đủ sức khoẻ để lao động nuôi sống bản thân hoặc phải chăm sóc người thân là con, cháu bị dị tật và phải lo tiền mua thuốc chữa bệnh…

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Vụ Bản thăm gia đình anh Hoàng Công Uẩn, thôn Tổ Cầu, xã Liên Bảo là nạn nhân nhiễm chất độc da cam.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Vụ Bản thăm gia đình anh Hoàng Công Uẩn, thôn Tổ Cầu, xã Liên Bảo là nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

Trước thực trạng trên, những năm qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Vụ Bản đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin trong huyện. Cùng với việc phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân tham gia ủng hộ xây dựng quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam”, Hội đã tiến hành rà soát các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam/điôxin trên địa bàn, các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo để kịp thời trợ giúp. Công tác chăm sóc sức khỏe nạn nhân đã được các cấp Hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, với phương châm: “Tự vận động cứu trợ tại chỗ là chính”. Các cấp Hội đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Vào các ngày lễ, tết Nguyên đán các cấp Hội đã phát động các phong trào: “Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Tết vì nạn nhân chất độc da cam”. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã thăm hỏi, tặng quà cho 1.000 lượt đối tượng với tổng trị giá gần 150 triệu đồng; phối hợp với Hội Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Pháp hỗ trợ học bổng hằng năm cho 4 học sinh là nạn nhân chất độc da cam vượt khó học giỏi, mỗi suất trên 4 triệu đồng/năm. Hiện nay, đã có 978 nạn nhân chất độc da cam/điôxin trong huyện được nhận trợ cấp thường xuyên mỗi tháng từ 900 nghìn đồng đến 1,9 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh, Ủy ban MTTQ huyện đã hỗ trợ xây dựng 15 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho gia đình nạn nhân chất độc da cam/điôxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ở thôn Tổ Cầu, xã Liên Bảo, gia đình anh Hoàng Công Uẩn - nạn nhân của chất độc hoá học luôn sống trong tình yêu thương của cộng đồng. Năm 1981, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Uẩn lập gia đình. Anh chị có 2 con gái thì đều bị thiểu năng trí tuệ, chân tay co quắp, không có khả năng lao động. Anh lại thường xuyên đau ốm. Lúc này anh mới biết mình bị nhiễm chất độc hóa học trong những ngày quân ngũ làm nhiệm vụ tại Tổng kho Mai Hắc Đế (Đắc Lắc). Cảm thông trước hoàn cảnh của anh, bà con làng xóm, chính quyền xã và các ngành, đoàn thể trong huyện đã thường xuyên đến động viên, khám sức khỏe, tặng bò sinh sản, cùng nhiều vật dụng cho gia đình. Anh Uẩn tâm sự: “Tuy hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn về vật chất và nỗi đau tinh thần nhưng được sự động viên, giúp đỡ của xóm làng và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành nên những khó khăn trong cuộc sống của gia đình đã phần nào giảm bớt…”.

Bên cạnh việc thường xuyên quan tâm, chăm sóc sức khỏe hội viên, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Vụ Bản còn phối hợp với Hội CCB huyện tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, đã có trên 500 lượt gia đình hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin được vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Hội còn phối hợp với Trung tâm Phát triển cộng đồng tổ chức tư vấn chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tìm việc làm cho các nạn nhân chất độc da cam. Hiện nay, Trung tâm đã hỗ trợ kinh phí cho 3 gia đình phát triển kinh tế gồm gia đình các anh: Trần Đức Chỉ, xã Minh Thuận; Chử Văn Tư, xã Cộng Hòa; Nguyễn Tuyên Huấn, xã Vĩnh Hào với tổng số tiền 17 triệu đồng để nuôi lợn và nuôi trâu. Với sự hỗ trợ của Hội, những gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam đã phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế có cuộc sống ổn định. Tiêu biểu như gia đình anh Vũ Văn Huynh, thôn Lại Xá, xã Hiển Khánh có 3 con bị nhiễm chất độc da cam. Được Hội hỗ trợ vay vốn, anh đã mua máy xay sát gạo kết hợp với chăn nuôi. Hiện anh đã xây được nhà kiên cố và sắm sửa nhiều tiện nghi trong gia đình.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, kinh phí nhưng bằng hoạt động thiết thực, hiệu quả, thấm đượm chất nhân văn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Vụ Bản đã thực sự trở thành chỗ dựa cho các nạn nhân chất độc da cam trong huyện nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com