Hoạt động nghiên cứu khoa học ngành GD và ĐT cần coi trọng chất lượng hơn số lượng

07:07, 31/07/2012

Nhiều năm qua, cùng với việc duy trì, đẩy mạnh chất lượng dạy và học, ngành GD và ĐT tỉnh luôn quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học và đúc rút sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên. Sau mỗi năm học lại có thêm hàng nghìn công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm ra đời, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Từ năm học 2008-2009 đến nay, mỗi năm ngành GD và ĐT tỉnh có hàng nghìn đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng trong giảng dạy và quản lý giáo dục. Trong đó, có hàng trăm đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm dự thi cấp tỉnh, gần 60 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận sáng kiến cấp tỉnh, có 10 sáng kiến được chuyển thành các giải pháp sáng tạo được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo, 1 đoàn viên xuất sắc được trao “Giải thưởng Nguyễn Đức Thuận” tỉnh Nam Định lần thứ nhất. Phong trào nghiên cứu khoa học, đúc rút sáng kiến kinh nghiệm ngày càng được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, giáo viên. Theo đánh giá của hội đồng khoa học xét duyệt các đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, hiện nay, việc xây dựng và áp dụng các phần mềm vào công tác đổi mới quản lý, giảng dạy đã được nhiều cán bộ, giáo viên quan tâm. Nhiều tác giả đã mạnh dạn thể nghiệm sáng kiến, đúc rút kinh nghiệm khá toàn diện các mặt hoạt động của nhà trường như: quản lý chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, thực hiện chương trình phân ban THPT, phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Không chỉ có sự tham gia tích cực của các trường công lập, phong trào nghiên cứu khoa học, đúc rút sáng kiến kinh nghiệm còn thu hút các cán bộ, giáo viên của các trường tư thục, các Trung tâm GDTX trong tỉnh với nhiều ý kiến có chất lượng khá tốt. Thầy giáo Trần Văn Thắng và các đồng nghiệp ở Trung tâm GDTX Liên Minh (Vụ Bản) đã nghiên cứu, chế tạo thành công mô hình máy phát điện xoay chiều 3 pha bằng sức gió với tần số 50HZ, điện áp 12V, dòng điện 0,5A và công suất 6W phục vụ thí nghiệm môn Vật lý trong nhà trường, giúp học sinh dễ dàng hiểu bài và kích thích tính sáng tạo của học sinh. Tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ III, mô hình máy phát điện xoay chiều 3 pha bằng sức gió đã được ban giám khảo đánh giá cao cả về tính sáng tạo, khả năng áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu thí nghiệm cho học sinh học môn Vật lý ở nhà trường, thu hút được sự chú ý của học sinh, chất lượng giờ học cũng được nâng lên, khẳng định hiệu quả sử dụng thuận tiện, phù hợp với việc trang bị cho các trường học và các trường chuyên nghiệp trong toàn quốc. Mô hình đã được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến kinh nghiệm cụ thể, gắn với hoạt động quản lý và công tác trọng tâm là dạy - học tại các nhà trường, những vấn đề khó trong công tác quản lý, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ trong từng năm học của toàn ngành được cán bộ, giáo viên đầu tư nghiên cứu và đây cũng là những tài liệu bổ ích cho hoạt động giáo dục của các nhà trường. Tiêu biểu như các đề tài: “Thiết bị dạy học hỗ trợ quá trình tổ chức hoạt động giáo dục ở mầm non với đề tài một số hiện tượng thời tiết theo mùa” của cô giáo Trần Thị Lan Anh đã đoạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ III; “Tổng hợp các dạng bài tập di truyền học quần thể dưới áp lực của các nhân tố tiến hóa” của thầy giáo Nguyễn Trung Hiệu, Trường THPT A Hải Hậu; “Hướng dẫn học sinh giải toán bằng cách lập phương trình” của cô giáo Nguyễn Thị Hương, Trường THCS Ngô Đồng (Giao Thủy); “Mô hình máy cẩu thủy lực điều khiển bằng điện” của cô giáo Nguyễn Thị Sâm, Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định…

Sáng kiến
Sáng kiến "Bảng đa năng" dạy môn tiếng Anh bậc THCS của cô giáo Trần Thị Tuyết Lan, Trường THCS Trực Đông (Trực Ninh) được đồng nghiệp và học sinh đánh giá cao trong thực tiễn dạy và học.

Để phong trào nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật khoa học công nghệ thu hút được đông đảo cán bộ, giáo viên tham gia và đạt hiệu quả cao, hằng năm, hội đồng khoa học của ngành GD và ĐT tỉnh đều có hướng dẫn để các tiểu ban khoa học chuyên ngành xây dựng kế hoạch hoạt động, trình hội đồng khoa học ngành tuyển chọn đề tài. Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, hội đồng khoa học cấp cơ sở hướng dẫn hội đồng khoa học các nhà trường, các tổ chuyên môn, cán bộ, giáo viên lựa chọn, xác định nội dung đề tài hoặc sáng kiến kinh nghiệm để đăng ký thực hiện, đồng thời thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, chỉ đạo các đơn vị triển khai theo đúng kế hoạch và yêu cầu của hội đồng khoa học các cấp. Vì vậy, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến kinh nghiệm hằng năm tăng dần, chất lượng cũng được nâng lên.

Tuy phong trào nghiên cứu khoa học, đúc rút sáng kiến kinh nghiệm của ngành GD và ĐT có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Do việc nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm hiện nay đã trở thành một công việc không thể thiếu trong hoạt động chuyên môn hằng năm của mỗi cán bộ, giáo viên đã dẫn đến việc nhiều người đã sao chép của nhau, chép từ trên mạng internet để có bản sáng kiến kinh nghiệm, hoặc ít đầu tư công sức, viết đại khái… trong khi một đề tài nghiên cứu khoa học hay sáng kiến kinh nghiệm phải có sự đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, có sáng tạo, có bứt phá từ công việc hằng ngày. Vì vậy nhiều đề tài nghiên cứu hầu như không có tác dụng đối với việc quản lý hay giảng dạy. Hầu như những đề tài mang tính nghiên cứu, sáng kiến kinh nghiệm tham gia ở cấp trường đều được Hội đồng khoa học nhà trường đánh giá đạt yêu cầu. Như vậy, mỗi năm, mỗi trường cũng có hàng chục đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm nhưng chỉ có vài ba bản được chọn lựa để tham dự ở cấp cao hơn. Bên cạnh đó, những đề tài được xếp loại cao thì việc nhân rộng, áp dụng trong thực tế cũng chưa được quan tâm đúng mức. Để phong trào nghiên cứu khoa học mang lại hiệu quả cao, ngành GD và ĐT tỉnh cần đổi mới trong công tác chỉ đạo quản lý để các đề tài nghiên cứu, đúc rút từ kinh nghiệm của mỗi cán bộ, giáo viên phải là những giải pháp mới, cụ thể, đặc sắc và có kết quả nổi bật nhờ những cải tiến mới. Việc đánh giá các đề tài cũng cần gắn liền với công việc thực tiễn ở đơn vị, thành tích cá nhân được nhà trường và tập thể công nhận, tránh chạy theo số lượng, hình thức mà không có chất lượng. Đối với những đề tài có giá trị, cần thiết cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, hội đồng khoa học các cấp cần tổ chức nhân ra diện rộng. Đồng thời việc chấm chọn các đề tài cần bảo đảm chính xác, công bằng, khen thưởng thỏa đáng nhằm động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên tích cực tham gia công tác nghiên cứu, đúc rút sáng kiến kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng GD và ĐT của tỉnh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com