Xã Giao Phong (Giao Thủy) có diện tích tự nhiên rộng hơn 712ha, trong đó, đất sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và làm muối chiếm hơn 454ha. Xã có 11 thôn với 8.328 khẩu, trong đó có 4.325 người trong độ tuổi lao động.
Bộ mặt nông thôn mới ở Giao Phong (Giao Thuỷ). |
Thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020, xã tập trung xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, CN-TTCN, dịch vụ, quy hoạch khu dân cư… UBND xã đã tiến hành quy hoạch sử dụng đất, khuyến khích các hộ dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất lớn đưa cơ giới vào đồng ruộng để tăng năng suất, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Bên cạnh đó, xã tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, khuyến diêm, mở các lớp tập huấn cho nông dân ứng dụng các tiến bộ KHKT, như công nghệ sinh học, quy trình thâm canh, lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường; huy động nguồn lực của địa phương cùng với sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế; sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý gọn nhẹ, nâng cao năng lực của Ban Nông nghiệp xã; khuyến khích thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ hợp sản xuất kinh doanh, các tổ dịch vụ kỹ thuật, sản xuất, chế biến nông sản, tiêu thụ sản phẩm để sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm của địa phương.
Đồng chí Đặng Văn Luyện, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2012 xã Giao Phong phấn đấu hoàn thành thêm 2 tiêu chí xây dựng NTM là môi trường và trường học, để đạt 16 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM. Thực hiện mục tiêu đó, xã đã khởi công xây dựng nhà học số 2 trường Mầm non khu trung tâm, khu bếp phục vụ nuôi bán trú với tổng dự toán hơn 3,2 tỷ đồng; tiến hành san lấp vỉa hè, tường bao trường THCS và trường tiểu học với tổng kinh phí hơn 746 triệu đồng...; xây dựng bãi xử lý rác tập trung nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường theo đúng Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xã đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh rau màu, cây vụ đông có giá trị kinh tế cao với diện tích 150ha; xây dựng vùng sản xuất lúa đặc sản với diện tích 9,8ha; hình thành vùng trồng cây rau sạch như: đậu tương, ngô, khoai tây Đức, dưa, lạc… Những năm gần đây, 100% diện tích đất gieo trồng cây lương thực được bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều giống lúa, ngô, lạc và các cây rau màu có năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cao được đưa vào gieo trồng đại trà. Xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, gia trại... bảo đảm phát triển theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường; từng bước giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong các khu dân cư. Xã đã phối hợp với trạm khuyến nông, trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao; xây dựng mô hình trồng rau an toàn, trồng khoai tây Đức giống mới, nuôi tôm sạch theo chương trình GAP… Trong công tác dồn điền đổi thửa, xã đã xây dựng xong đề án, lấy ý kiến của nhân dân phấn đấu giao đất thực địa trong tháng 6-2012. Về công tác đào tạo nghề và phát triển sản xuất, xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 2 lớp tập huấn trồng rau an toàn và nuôi tôm sạch thu hút 75 lao động tham gia; mở 1 lớp đào tạo nghề may cho 35 lao động trong xã và tạo việc làm 100% số lao động đã qua lớp học nghề. Cũng trong thời gian qua, xã đã đẩy mạnh “bê tông hóa”, “nhựa hóa” đường giao thông nông thôn. Đến nay xã đã có 12,2km đường liên xã, 18,5km đường liên thôn là đường cấp phối và bê tông hóa; hiện còn 6km dong ngõ bị lầy lội vào mùa mưa và 3,8km đường giao thông nội đồng là đường đất. Xã phấn đấu trong năm 2012 tiếp tục huy động nhân dân đóng góp tập trung làm đường giao thông nội đồng, đường dong ngõ và hệ thống tiêu thoát nước trong khu dân cư.
Những kết quả bước đầu đạt được trong tiến trình xây dựng NTM ở Giao Phong cho thấy nhiệm vụ chính trong công tác xây dựng NTM phải bắt đầu từ những việc thiết yếu nhất của cuộc sống, từ nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường và điều kiện sống, vệ sinh, ăn ở, đi lại của người dân, đến an toàn, trật tự và nếp sống văn hoá trong các làng xã. Để thực hiện được điều này, công tác tuyên truyền phải đi tiên phong, đạt được sự đồng thuận của người dân, đồng lòng chung sức xây dựng NTM./.
Bài và ảnh: Văn Thứ