Về xã Yên Lộc (Ý Yên) vào những ngày tháng 7, chúng tôi được nghe kể nhiều chuyện về ba người vợ liệt sỹ ở thôn Vụ Ngoại. Từ tấm lòng trung hậu, từ nhiều năm nay, ba người đã tự nguyện nhận trông coi nghĩa trang liệt sỹ xã và coi đó như một “nén hương lòng” dâng lên những người đã khuất…
Chung một nỗi đau
Ba bà: Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Hột và Nguyễn Thị Hè tuy không cùng sinh ra một làng nhưng đều về làm dâu ở thôn Vụ Ngoại từ khi còn rất trẻ. Vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, cả ba cùng nén lòng đặt tình cảm riêng tư sang một bên động viên chồng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ở lại hậu phương tảo tần hôm sớm, chăm lo công việc gia đình, đồng áng rồi đến một ngày, các bà đều nhận được giấy báo tử của chồng. Khi đó hai người may mắn đã có được hạnh phúc làm mẹ, còn bà Hè thì vẫn cô quạnh, cả ba bà đều ở vậy thờ chồng, nuôi con, chăm lo phụng dưỡng bố, mẹ chồng với một tấm lòng thuỷ chung son sắt.
Ba người vợ liệt sỹ đang thắp hương cho các liệt sỹ. |
Bà Nguyễn Thị Nghĩa lấy chồng từ năm 19 tuổi. Sống với nhau chưa bén hơi, năm 1973, ông Trần Văn Hải chồng bà lên đường nhập ngũ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người lính trẻ Trần Văn Hải lại tiếp tục lên đường làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nước bạn Căm-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn-pốt. Ngày mồng 2 Tết năm 1978, khi mọi nhà đang vui vầy sum họp thì bà nhận được tin báo ông đã hy sinh. Nỗi đau quá lớn khiến bà tưởng như không thể vượt qua, song nhìn hai con thơ dại, đứa lớn mới lên 3 tuổi, đứa nhỏ còn trong bụng mẹ, bà chỉ biết nén nỗi đau gượng dậy để lo cho các con. Biết bao khó khăn, vất vả dồn lên đôi vai gầy của người vợ trẻ, cơm không đủ ăn, con nhỏ thì ốm đau liên miên. Căn nhà nhỏ vắng bàn tay dặm đỡ của người đàn ông trở nên xiêu vẹo. Thế rồi mọi khó khăn cực nhọc cũng qua đi, hai con gái đến tuổi trưởng thành lấy chồng và sinh cho bà 5 đứa cháu ngoại xinh xắn khiến bà cũng nguôi ngoai. Còn bà Nguyễn Thị Hột - vợ liệt sỹ Phạm Văn Thâu, lấy chồng năm 1967, hai người vừa kịp có với nhau một mụn con gái thì chồng lên đường nhập ngũ. Khi con gái được 4 tuổi, bà nhận được tin chồng hy sinh ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Là người phụ nữ có nhan sắc, tuổi lại còn trẻ, cũng có nhiều người đánh tiếng mai mối song bà đều từ chối. Bà tâm niệm ở vậy để giữ tấm lòng thuỷ chung với người chồng đã khuất và chăm sóc mẹ chồng già yếu. Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô Hột xinh đẹp ngày nào giờ đã là bà ngoại song dù đã ở tuổi gần 70, bà vẫn là con dâu ngoan hiền của bà mẹ chồng đã ngoài 90 tuổi. Gia đình có tất cả 7 người con nhưng mẹ chồng bà mấy chục năm nay chỉ ở với mẹ con bà, cụ bảo, bố cháu mất sớm, tôi thương con dâu cả đời vất vả nên chỉ muốn ở lại đây cho căn nhà bớt phần cô quạnh. Nhìn cảnh mẹ con, bà cháu quây quần bên nhau, bà con trong làng, ngoài xã ai nấy đều cảm phục tấm lòng hiếu nghĩa của bà Hột. Còn bà Nguyễn Thị Hè, chồng hy sinh năm 1972 bên dòng sông Long Khốt (tỉnh Long An) khi hai người chưa kịp có con với nhau. Bà còn nhớ trước khi chia tay, ông dặn bà ở nhà thay ông chăm sóc bố, mẹ già cùng đàn em nhỏ và hẹn ước ngày đất nước độc lập, ông sẽ trở về để bù đắp cho bà... Nhưng khi chiến tranh kết thúc, bà chờ mãi mà không thấy chồng về. Đến năm 1976, gia đình bà mới nhận được giấy báo tử của ông. Bà tự dặn lòng kìm nén nỗi đau để còn làm chỗ dựa cho bố, mẹ chồng và các em. Mấy chục năm trôi qua, bà vẫn ở vậy thờ chồng và nhận một đứa cháu con anh trai về nuôi.
Ba người vợ trẻ tiễn chồng ra trận khi tuổi mới mười chín, đôi mươi. Chồng hy sinh, cả ba lại cùng ở vậy cho đến hết cuộc đời để giữ trọn tấm lòng thuỷ chung, sắt son. Và suốt mấy chục năm qua, cả ba người phụ nữ vẫn hy vọng một ngày sẽ tìm được mộ phần của chồng để đưa các ông về với quê cha, đất tổ.
Ấm lòng người nằm xuống
Cùng chung một nỗi đau, ba người phụ nữ ấy đến với nhau như một lẽ tự nhiên và thân nhau như ruột thịt. Từ tình cảm với người đã khuất, ba bà bàn nhau cùng dành thời gian ra chăm sóc phần mộ ở nghĩa trang liệt sỹ của xã. Âu cũng là một hành động để tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước, để linh hồn những người chồng vẫn còn nằm lại đâu đó được ấm lòng khi hướng về quê hương. Hằng ngày, ba bà cùng đến nghĩa trang, nhặt cỏ, quét dọn, cùng chuyện trò, tâm sự, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Các bà còn tìm mua nhiều giống hoa về trồng quanh nghĩa trang cho thêm đẹp và dành dụm tiền từ những buổi chợ chiều để mua hương, mua hoa dâng lên các liệt sỹ. Ông Phạm Xuân Biên, Bí thư chi bộ thôn Vụ Ngoại cho biết: Mặc dù không có tiền thù lao nhưng với tấm lòng tự nguyện, ba bà đã dành nhiều thời gian, công sức chăm chút cho từng ngôi mộ. Từ ngày có bàn tay chăm sóc của các bà, nghĩa trang liệt sỹ của xã luôn sạch sẽ, ngát hương. Vào dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7-2011, các bà góp tiền đặt mua 60 bộ quần áo giấy màu xanh bộ đội, rồi liên hệ với nhà chùa tổ chức cầu siêu cho các liệt sỹ. Và dường như thấu hiểu nỗi lòng những người vợ cả cuộc đời chờ đợi mỏi mòn, tháng 9-2011, bà Hè đã được đón hài cốt của chồng về với quê hương. Mọi người cứ bảo chắc thương bà chưa có con nên ông tìm về với bà sớm hơn. Ngày đón chồng trở về, bà mừng mừng, tủi tủi, vậy là niềm mong ước bấy lâu của bà đã trở thành hiện thực. Từ đó, cứ mỗi lần ra thắp hương cho chồng và các liệt sỹ, bà lại ngày đêm cầu khấn cho 2 người bạn già của mình cũng sớm được đón chồng trở về. Và ngày 11-7-2012 vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Hột cũng đã đưa được hài cốt liệt sỹ Phạm Văn Thâu về với quê hương. Vậy là một cái kết có hậu nữa lại đến, dù có muộn mằn.
Chia tay 3 người phụ nữ vào buổi chiều muộn, trong lòng tôi dâng lên niềm cảm phục xen lẫn niềm tự hào về những người phụ nữ cao cả. Các bà đã hy sinh hạnh phúc riêng tư vì nền độc lập tự do của dân tộc. Và, chính từ những điều bình dị ấy đã góp phần làm nên sức mạnh phi thường của dân tộc./.
Bài và ảnh: Hoài Phương