Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước ta có khoảng 1,13 triệu liệt sỹ. Và có lẽ, chẳng nơi đâu trên thế gian có những bà mẹ phải chịu nhiều nỗi đau mất người thân trong chiến tranh như ở Việt Nam. Mẹ Thứ, người đã trở thành biểu tượng của người Mẹ Việt Nam anh hùng, phải chịu nỗi đau mất 13 người thân. Những bà mẹ Việt Nam khác, cũng có rất nhiều người chồng chất nỗi đau.
Trong số những nỗi đau, thì nỗi đau nhất là không còn đau được nữa. Đó là khi quá nhiều nỗi đau đổ ập tới, khiến lòng chai sạn, khiến mẹ không còn nổi nước mắt để khóc chồng, khóc con. Và, những nỗi đau ấy, đến hôm nay, vẫn chưa thôi day dứt!
Người có tâm, người biết sống hợp với đạo lý, là người biết hàm ơn. Các anh hùng liệt sỹ, những người đã chiến đấu, hy sinh để giành lại nền độc lập, chính là những người có ơn lớn đối với quốc gia, dân tộc. Vì thế, thể hiện lòng biết ơn với họ, mà cụ thể là góp phần xoa dịu những nỗi đau mà những người thân của họ vẫn đang gánh vác, không chỉ là vấn đề trách nhiệm xã hội với mỗi người hôm nay. Đó còn là trách nhiệm, là lương tâm!
“Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ” là hoạt động trọng tâm của tuổi trẻ cả nước trong tháng 7 hằng năm. Ảnh: Internet |
Cách đây hơn 20 năm, phong trào xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình các thân nhân liệt sỹ đã được cả nước hưởng ứng. Hàng vạn ngôi nhà đã và vẫn tiếp tục được xây. Thế nhưng, vẫn chưa đủ. Vẫn còn những gia đình liệt sỹ chưa có được một mái ấm khang trang. Lại có những ngôi nhà tình nghĩa trải qua mưa nắng và thời gian, nay đã rất cần nâng cấp.
Ngày 27-7-1947 được lấy làm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, tức là công tác chăm lo cho người có công với cách mạng đã được toàn Đảng, toàn dân chăm lo từ 65 năm qua. Tuy nhiên, đến nay, dù đã rất cố gắng nhưng sự chăm lo ấy vẫn mới chỉ bảo đảm được phần nào cuộc sống của các đối tượng chính sách. Những khoản tiền trợ cấp, phụ cấp, trong thời buổi khó khăn này vẫn chưa giúp người có công thực sự được yên tâm.
Tri ân các anh hùng liệt sỹ, những người đã để lại một phần thân thể mình trên chiến trường vì nền độc lập - tự do của dân tộc, không phải là việc từ thiện. Đó là một việc nghĩa, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta. Những đồng tiền, những việc làm thể hiện sự biết ơn đã phần nào xoa dịu những nỗi đau. Thế nhưng, không gì có thể so với sự mất mát người thân, sự hy sinh xương máu. Bởi thế, việc tri ân không bao giờ là đủ!
Theo: QĐND