Trên địa bàn Thành phố Nam Định hiện có 4 chợ đầu mối là chợ Phạm Ngũ Lão, chợ Phụ Long, chợ Mỹ Tho và chợ Rồng kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng, hàng công nghệ phẩm khối lượng lớn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, công tác VSMT, VSATTP tại các chợ còn nhiều hạn chế. Tại chợ Phụ Long, hoạt động mua bán các loại hàng hóa, từ thực phẩm tươi sống như rau quả, thịt cá đến các đồ gia dụng như quần áo, giày dép khá sầm uất nhưng việc bày bán lộn xộn, đặc biệt một số quầy tại khu vực bán hải sản tươi sống, hàng rau, thịt... bày hàng sát mặt đất, nước chảy lênh láng, một số hộ kinh doanh còn xả rác bừa bãi ảnh hưởng đến VSATTP. Chợ Mỹ Tho có tổng số 310 hộ kinh doanh, gồm hoa quả, rau xanh, thịt cá tươi sống... Công tác VSATTP vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại. Một số mặt hàng như: ô mai, bánh kẹo, hạt hướng dương… được bày bán nhiều nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại chợ Rồng, một số hàng kinh doanh đồ ăn sẵn khu vực quanh chợ vẫn bày bán ngay trên vỉa hè nơi đông người qua lại nhưng không được che đậy... Cty Dịch vụ kinh doanh và quản lý chợ - đơn vị quản lý 4 chợ đầu mối trên cho biết: Để bảo đảm VSMT, VSATTP, Cty đã tổ chức các cuộc giao ban hằng tháng về công tác VSMT, VSATTP; ký kết với Cty TNHH một thành viên môi trường quét dọn, vận chuyển rác hằng ngày. Ngoài ra, Ban quản lý (BQL) các chợ cử 1 nhân viên chuyên kiểm tra việc thu gom rác thải. Hiện tại, bình quân mỗi chợ được trang bị hơn 10 thùng rác, riêng chợ Rồng có hơn 20 thùng rác. Hằng ngày, BQL các chợ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện các quy định xử lý rác thải.
Rác thải và mất VSATTP vẫn là nguy cơ thường trực tại chợ Phụ Long (TP Nam Định). |
Để duy trì công tác VSATTP tại các chợ, Ban chỉ đạo VSATTP của Cty được thành lập, thành viên gồm đại diện BQL, chi Hội Phụ nữ các chợ. Ban chỉ đạo phân công cán bộ quản lý khu vực thường xuyên đôn đốc các hộ kinh doanh thực hiện các quy định đã ký cam kết về VSMT, VSATTP, đặc biệt, nhắc nhở các hộ kinh doanh đúng ngành hàng, mặt hàng kinh doanh, không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không tem nhãn...; thực hiện việc quét dọn, vệ sinh quầy tủ, cống rãnh trước khi đóng cửa hàng. Khu vực buôn bán gia cầm tại các chợ phải rắc vôi bột, vệ sinh sạch sẽ khu vực nơi bán hàng và xung quanh… Định kỳ, Cty phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố tổ chức tập huấn công tác VSATTP cho người kinh doanh thịt, cá, gia cầm, hoa quả… Vào dịp lễ, tết hay những thời điểm xảy ra dịch H5N1 ở gia cầm, dịch tai xanh ở lợn, BQL các chợ tổ chức kiểm tra thường xuyên về việc chấp hành các quy định VSATTP của các hộ kinh doanh. Hằng năm, Cty phối hợp các ngành chức năng như Y tế, Trạm thú y thành phố, Quản lý thị trường tỉnh, Công an thành phố tổ chức kiểm tra việc thực hiện VSATTP với các nội dung như hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không nhãn mác, hàng chưa qua kiểm dịch... Từ đầu năm đến nay, Cty đã tổ chức hơn 10 đợt kiểm tra tại các chợ về công tác VSMT, VSATTP, xử lý nhiều hộ vi phạm.
Tuy nhiên, hiện nay ý thức thực hiện các quy định về VSMT, VSATTP của các hộ kinh doanh tại các chợ đầu mối chưa cao; sự phối kết hợp kiểm tra của các ngành chức năng chuyên môn chưa thường xuyên; việc xử lý vi phạm còn nhẹ, nặng về xử lý hành chính… nên vấn đề VSMT, VSATTP vẫn chưa được giải quyết triệt để. Để bảo đảm VSATTP tại các chợ ngày càng tốt hơn, UBND thành phố cần tập trung chỉ đạo các phường có chợ thực hiện tốt công tác VSMT và VSATTP. Các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp với BQL các chợ trong việc kiểm tra xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh thực phẩm tại chợ./.
Bài và ảnh: Minh Thuận