Những năm gần đây mô hình kinh tế trang trại trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta đã phát triển mạnh. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.300 trang trại, trong đó có 196 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Các loại hình trang trại gồm trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây cảnh. Bình quân mỗi trang trại có tổng vốn đầu tư từ 300-400 triệu đồng, giá trị sản xuất đạt 250-300 triệu đồng/năm; một số trang trại quy mô lớn, doanh thu mỗi năm đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Các trang trại phát triển với nhiều loại hình sản xuất đa dạng, phong phú bao gồm trang trại nuôi trồng thuỷ sản, trang trại chăn nuôi, trang trại trồng cây lâu năm, trang trại trồng cây hằng năm, trang trại tổng hợp. Xu hướng phát triển của các trang trại là kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất và chế biến, sản xuất nông, lâm, thuỷ sản.
Mô hình trồng nấm sò của ông Vũ Quang Tinh, xóm 6, xã Hải Phương (Hải Hậu). |
Mô hình trang trại chăn nuôi có 543 trang trại, trong đó trang trại chăn nuôi gia súc chiếm khoảng 62%; trang trại chăn nuôi gia cầm chiếm 38%. Đến nay, mô hình trang trại chăn nuôi đã phát triển rộng khắp, hình thành những mô hình kinh doanh năng động sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, thức ăn, chuồng trại, kỹ thuật quản lý mang lại hiệu quả nhiều mặt. Loại hình trang trại nuôi thuỷ sản phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, từ loại hình trang trại đến đối tượng nuôi trồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 600 trang trại nuôi thuỷ sản và đã tập trung khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước, thu hút hàng chục vạn lao động, tạo điều kiện phân bổ lại lao động nông thôn. Riêng 2 huyện Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, nuôi thuỷ sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Huyện Nghĩa Hưng có trên 230 trang trại, huyện Giao Thuỷ có trên 270 trang trại. Ngoài ra, các trang trại nuôi thuỷ sản tập trung phát triển ở những vùng ven biển, ven sông có nhiều hồ đầm như ở các địa phương thuộc các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Mỹ Lộc, Vụ Bản. Nhiều trang trại nuôi trồng thuỷ sản đạt giá trị sản lượng trên 300 triệu đồng/ha. Loại hình trang trại tổng hợp có 74 trang trại, chủ yếu tập trung ở các huyện Vụ Bản, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thuỷ. Nhiều trang trại tổng hợp còn làm đại lý cho các nhà máy phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm, thức ăn thuỷ sản… cung ứng cho bà con nông dân.
Để phát triển kinh tế trang trại đạt hiệu quả cao, những năm qua các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia phát triển kinh tế trang trại, đồng thời ký kết các chương trình phối hợp với các ngành NN và PTNT, TN và MT, Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH, các doanh nghiệp để nông dân được học tập, ứng dụng KHKT và công nghệ vào sản xuất cũng như tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào sản xuất. HND tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân, chủ trang trại về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, các kiến thức bảo vệ môi trường, nguồn nước, nguồn lợi thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ năng xây dựng trang trại, bảo vệ môi trường trang trại và những kiến thức về quản lý trang trại, các phương thức sản xuất sản phẩm sạch đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường. HND các cấp căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, tiềm lực kinh tế, điều kiện sẵn có từng vùng để xây dựng các mô hình điểm phát triển kinh tế trang trại ở các địa phương. Trong thời gian qua, HND tỉnh triển khai xây dựng mô hình điểm nuôi trồng thuỷ sản ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, xây dựng mô hình nuôi cá - lúa ở các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc; mô hình chăn nuôi ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Mỹ Lộc. Đối với các vùng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn lợ ở các huyện: Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu, HND tỉnh lựa chọn xây dựng các mô hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, nuôi cá bống bớp, nuôi cua biển. Hằng năm, HND tỉnh còn tuyên truyền Nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh, các chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, các chính sách về đất đai, thuế, đầu tư tín dụng để các chủ trang trại và nông dân học tập trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại. Ngoài ra, HND các cấp phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật cho chủ trang trại, đồng thời tăng cường phối hợp với các trung tâm dạy nghề tổ chức dạy nghề cho nông dân. Tiếp tục tuyên truyền thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, từng bước thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất gắn với quy hoạch lại đồng ruộng nhằm giảm chi phí trung gian, tạo vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung, chuyên canh gắn với cơ sở chế biến. Vận động hộ nông dân chuyển nhượng hoặc cho thuê ruộng đất theo luật, nhằm khuyến khích phát triển kinh tế trang trại rút bớt lao động nông nghiệp sang làm việc ở các ngành nghề khác. Tạo điều kiện cho các trang trại tiếp thu nhiều thông tin về KHKT, công nghệ mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mở rộng nhiều hình thức liên doanh, liên kết, hợp đồng cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm thực hiện liên kết 4 nhà theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh các chương trình phối hợp với các ban, ngành, cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong khu vực và thế giới để tạo điều kiện hỗ trợ cho trang trại về vốn, kỹ thuật, dịch vụ vật tư, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho nông dân… Vận động các chủ trang trại tham gia hiệp hội trang trại, thành lập doanh nghiệp, từng bước tham gia các hoạt động bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để kinh tế trang trại ở tỉnh ta phát triển mạnh và bền vững cần giải quyết đồng bộ 3 vấn đề cốt lõi đó là “Khoa học công nghệ - vốn - tiêu thụ sản phẩm” và phải có thời gian, bước đi phù hợp. Có như vậy kinh tế trang trại mới phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thực hiện sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn