Trong thời gian qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm về quy định mới của Bộ GD và ĐT trong Thông tư số 17/2012 ban hành ngày 16-5-2012, nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là “liều thuốc” hữu hiệu để “chữa trị” tận gốc mặt tiêu cực của hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường?
Theo thông tư, hàng loạt các quy định mới về dạy thêm, học thêm sẽ chính thức được áp dụng như: không dạy thêm đối với học sinh tiểu học đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trừ các trường hợp: Nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh có học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Khi dạy thêm, học thêm trong nhà trường, học sinh muốn học thêm phải tự viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh (hoặc người giám hộ) có con em xin học thêm phải trực tiếp ký, ghi nội dung cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện nội dung đã cam kết; nhà trường chịu trách nhiệm tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân loại học sinh theo học lực và tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ học sinh (không tổ chức lớp dạy thêm học thêm theo các lớp học chính khoá); giáo viên muốn dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm, trong đó phải có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của người giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm học thêm trong nhà trường. Nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên được dạy thêm, phân công giáo viên, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp với trình độ học sinh. Khi dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải ký cam kết với UBND xã, phường, thị trấn về nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm về thực hiện đúng các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin công cộng của địa phương và tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước khi thực hiện dạy thêm, giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm do cấp có thẩm quyền cấp… Chị Nguyễn Thị Thu ở ô 17 phường Hạ Long (TP Nam Định) cho biết, chị hoàn toàn đồng ý với những quy định đặt ra, bởi với học sinh tiểu học các cháu đã được học 2 buổi/ngày, nếu phải đi học thêm ngoài giờ học ở trường sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng tiếp thu của các cháu. Tuy nhiên, anh Tuấn, phụ huynh có hai con đang học tiểu học lại cho rằng: Từ khi các con đi học, vợ chồng anh đều phải “nhờ” cô giáo kèm cặp, dạy thêm cho các cháu, bởi với công việc kinh doanh bận tối ngày, vợ chồng anh không có nhiều thời gian để ý đến việc học hành của các con. Học thêm ở nhà cô giáo, ngoài việc các cháu được hướng dẫn làm các bài tập ở nhà còn được cô cho làm thêm các bài tập nâng cao nữa. Có lẽ vì thế mà năm nào các cháu cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi!? Quan điểm của anh Tuấn là, nếu cấm tuyệt đối việc dạy thêm ở bậc tiểu học thì trong trường hợp của gia đình anh, sẽ không có ai hướng dẫn các con học tập. Không giống như anh Tuấn, việc học thêm của con anh Hưng lại khiến cho gia đình bức xúc bởi: “Tưởng rằng việc có cho con đi học thêm hay không là quyền của phụ huynh nhưng thực tế không phải như vậy. Tôi từng cương quyết không cho con đi học thêm và hậu quả là con bé nhà tôi liên tục phải ngồi bàn cuối. Thỉnh thoảng cháu lại than vì bài tập bố hướng dẫn không giống với của cô giáo, mặc dù cách làm của cháu đúng như sách giáo khoa hướng dẫn. Việc này chỉ kết thúc khi tôi đồng ý cho con đến lớp học thêm tại nhà cô”…
Cô và trò Trường Tiểu học Nam Điền (Nam Trực) trong giờ lên lớp. |
Quy định cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2012. Xung quanh quy định này có rất nhiều ý kiến trái chiều và thực tế trong thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra “bình thường”. Tại khu dân cư số 12 phường Thống Nhất, lớp học thêm tại nhà của cô giáo H diễn ra từ khi học sinh chưa chính thức được nghỉ hè. Hằng ngày, một nhóm học sinh tiểu học do cha mẹ chở đến vẫn miệt mài học bài dưới sự hướng dẫn của cô. Nhiều phụ huynh tỏ ra rất phấn khởi khi tan lớp, các con ríu rít khoe hôm nay được điểm cao, được cô giáo khen làm bài đúng. Trên thực tế, rất nhiều phụ huynh tha thiết đề nghị chính cô giáo đang dạy con mình dạy thêm cho con, nhất là trong dịp hè bởi họ tin rằng, giáo viên đó đã có quá trình gắn bó với học sinh thì sẽ hiểu hơn và dạy đúng những gì các con đang thiếu, đồng thời để các con không quên lãng kiến thức đã được học khi nghỉ hè. Việc dạy thêm chủ yếu là do thỏa thuận của phụ huynh học sinh với cô giáo và mong muốn cho con học thêm là nhu cầu có thật của phụ huynh. Ở không ít lớp học, giáo viên không tổ chức dạy thêm nhưng chính phụ huynh yêu cầu gửi con cho cô kèm cặp. Lý do cho con học thêm của phụ huynh thường là chương trình học quá tải, ở lớp con mình không theo kịp nên nhờ cô dạy thêm cho con khi gia đình không có thời gian kèm cặp con hoặc không thể chỉ dẫn cho con. Không ít phụ huynh lo ngại nếu không cho con đi học thêm sẽ không có ai quản lý, sợ con sa vào các trò chơi games online hay các tệ nạn xã hội. Theo nội dung của Thông tư 17 quy định không dạy thêm với học sinh tiểu học nhưng sau đó, trong khoản “cấm” này trừ ra những trường hợp giáo viên nhận quản lý học sinh ngoài giờ theo yêu cầu của phụ huynh, phụ đạo cho học sinh yếu, kém. Nhiều giáo viên cho rằng, ngoài số ít giáo viên “bắt ép” học sinh học thêm thì số đông giáo viên dạy thêm đều bảo đảm được hai yêu cầu trên. Còn những giáo viên dạy thêm theo hình thức “bắt ép” học sinh có thể “bám” vào quy định này để đối phó khi yêu cầu phụ huynh “tự nguyện” làm đơn nhờ giáo viên quản lý học sinh ngoài giờ. Như vậy, quy định cấm dạy thêm vẫn có “kẽ hở” để giáo viên và học sinh dạy thêm, học thêm bình thường. Và như thế sẽ là bất công cho những giáo viên không dạy thêm hoặc chỉ dạy thêm khi được phụ huynh nhờ vả. Trong khi đó nền giáo dục còn nặng chuyện điểm số, thi cử, chương trình học nặng nề, phụ huynh luôn có tâm lý lo ngại, nếu không cho con đi học thêm thì khó có thể nắm chắc cơ hội vào đại học. Vì vậy, để con học giỏi ngay từ cấp học đầu tiên, phụ huynh vô tình đã tạo áp lực cho trẻ và tạo điều kiện để giáo viên tìm mọi cách dạy thêm. Thực tế, tại Thành phố Nam Định, nhiều giáo viên dạy các môn chính như Tiếng Việt, Toán cấp tiểu học có thu nhập từ việc dạy thêm cao hơn gấp nhiều lần so với giáo viên các cấp học lớn hơn.
Bản chất của việc dạy thêm, học thêm là tốt nếu xuất phát từ nhu cầu nâng cao kết quả học tập. Bởi, dạy thêm học thêm giúp củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh; phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém; bồi dưỡng học sinh khá, giỏi... Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, có dấu hiệu tiêu cực. Vì vậy, tinh thần của Thông tư mới do Bộ GD và ĐT ban hành là không cấm việc dạy thêm, học thêm mà nhằm tạo điều kiện phát huy mặt tích cực của việc dạy thêm, học thêm thông qua việc khuyến khích dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngăn chặn mặt tiêu cực bằng quy định cấm giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Nếu Thông tư được thực hiện tốt sẽ góp phần giảm sự tiêu cực, bức xúc về việc dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay, nhất là trên địa bàn Thành phố Nam Định./.
Bài và ảnh: Hồng Minh